Thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp không được tính hưởng trợ cấp thôi việc
Theo quy định tại khoản 1, Điều 14 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/05/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về hợp đồng lao động thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc đối với người lao động đã làm việc từ đủ 12 tháng trở lên trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động quy định tại Điều 36, Điều 37, các điểm a, c, d và điểm đ khoản 1 Điều 38, khoản 1 Điều 41, điểm c khoản 1 Điều 85 của Bộ luật Lao động.
Trường hợp bà Trương Thị Thanh làm việc cho Công ty cổ phần Học liệu Giáo dục từ tháng 10/2008 đến tháng 7/2011 (tổng thời gian làm việc tại Công ty là 33 tháng) bà Thanh chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật thì Công ty cổ phần Học liệu giáo dục Hà Nội có trách nhiệm giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc cho bà Thanh đối với thời gian làm việc tại Công ty.
Theo quy định tại khoản 1, Điều 41 Nghị định số 127/2008/NĐ-CPngày 12/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm. Như vậy, đối với thời gian từ tháng 1/2009 đến tháng 7/2011 bà Thanh được Công ty đóng bảo hiểm thất nghiệp thì thời gian này không được tính để hưởng trợ cấp thôi việc.
Theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì thời gian bà Thanh làm việc được tính để hưởng trợ cấp thôi việc là 3 tháng (từ tháng 10/2008 đến hết tháng 12/2008) được tính tròn ½ năm làm việc.
Vì vậy, Công ty phải trả trợ cấp thôi việc cho bà Thanh là ¼ tiền lương bình quân của 6 tháng liền kề trước khi chấm dứt hợp đồng lao động
Thư Viện Pháp Luật