Quy định với doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh
Doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh không được quá 2 năm
Giải đáp thắc mắc của ông Henry Chau, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, theo quy định tại Điều 156 Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh.
Trong thời gian tạm ngừng kinh doanh, doanh nghiệp phải nộp đủ số thuế còn nợ, tiếp tục thanh toán các khoản nợ, hoàn thành việc thực hiện hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động, trừ trường hợp doanh nghiệp chủ nợ, khách hàng và người lao động có thỏa thuận khác.
Đồng thời, tại khoản 3 Điều 57 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp quy định, thời hạn tạm ngừng kinh doanh ghi trong thông báo không được quá 1 năm.
Sau khi hết thời hạn đã thông báo, nếu doanh nghiệp, hộ kinh doanh vẫn tiếp tục tạm ngừng kinh doanh thì phải thông báo tiếp cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp không được quá 2 năm.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký tạm ngừng hoạt động thực hiện theo quy định về tạm ngừng kinh doanh tại khoản 3 Điều 57 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP nêu trên.
Nghĩa vụ của doanh nghiệp khi cho người lao động thôi việc
Theo hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tại Điều 17 của Bộ luật Lao động quy định, trong trường hợp thay đổi cơ cấu hoặc công nghệ mà người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên bị mất việc làm, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm đào tạo họ để tiếp tục sử dụng vào những chỗ làm việc mới. Nếu không thể giải quyết được việc làm mới, phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc cho người lao động.
Cũng theo Điều 31 của Bộ luật Lao động, trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, chuyển quyền sở hữu, quyền quản lý hoặc quyền sử dụng tài sản của doanh nghiệp thì người sử dụng lao động kế tiếp phải chịu trách nhiệm tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động với người lao động.
Trong trường hợp không sử dụng hết số lao động hiện có thì phải có phương án sử dụng lao động theo quy định của pháp luật. Người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều này, được trợ cấp mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 của Bộ luật này.
Ngoài ra, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 38 của Bộ luật Lao động.
Trường hợp người lao động nghỉ việc do bị mất việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 17 và Điều 31 của Bộ luật Lao động nói trên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động.
Cách tính trả trợ cấp mất việc làm thực hiện theo quy định tại Nghị định số 39/2003/NĐ-CP ngày 18/4/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về việc làm và Thông tư số 39/2009/TT-BLĐTBXH ngày 18/11/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Nếu người sử dụng lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đối với người lao động đã làm việc thường xuyên trong doanh nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 42 của Bộ luật Lao động.
Cách tính trả trợ cấp thôi việc cụ thể với trường hợp này thực hiện theo quy định tại Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003, Nghị định số 127/2008/NĐ-CP ngày 12/12/2008 của Chính phủ và Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Về việc trả trợ cấp thôi việc cho nhân viên, Bộ Lao động-THương binh và Xã hội đề nghị ông Henry Chau căn cứ vào điều kiện cụ thể của công ty để lựa chọn áp dụng việc giải quyết cho người lao động thôi việc, mất việc làm và thanh toán trợ cấp thôi việc, mất việc làm theo đúng quy định.
Thư Viện Pháp Luật