Các thủ tục tố tụng trong giải quyết vụ án hình sự
Hội đồng xét xử sơ thẩm gồm một thẩm phán và hai hội thẩm nhân dân (thẩm phán làm chủ toạ phiên toà và ngồi ở ghế giữa, hai hội thẩm ngồi hai bên). Trong trường hợp vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thì hội đồng xét xử có thể gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Đối với vụ án mà bị cáo bị đưa ra xét xử về tội theo khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình thì hội đồng xét xử gồm hai thẩm phán và ba hội thẩm nhân dân. Thẩm phán chủ toạ phiên toà điều khiển và giữ kỷ luật phiên toà. Chính vì vậy mà tại phiên toà thẩm phán chủ toạ phiên toà (ngồi giữa) là người thẩm vấn bị cáo, người bị hại, nhân chứng… còn hội thẩm nhân dân ngồi hai bên chỉ hỏi khi họ thấy còn những vấn đề chưa rõ hoặc khi chủ toạ phiên toà giới thiệu, chỉ định, yêu cầu họ thẩm vấn. Kiểm sát viên viện kiểm sát cùng cấp phải tham gia phiên toà. Đối với vụ án có tính chất nghiêm trọng, phức tạp thì hai kiểm sát viên có thể cùng tham gia phiên toà. Nếu kiểm sát viên vắng mặt hoặc bị thay đổi thì hội đồng xét xử hoãn phiên toà và báo cáo ngay cho viện kiểm sát cùng cấp. Người làm chứng tham gia phiên toà để làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án. Nếu người làm chứng vắng mặt nhưng trước đó họ đã có lời khai tại cơ quan điều tra thì chủ toạ phiên toà công bố những lời khai đó… Theo anh trình bày thì lời khai của nhân chứng, người liên quan, kết luận của công an và viện kiểm sát còn mâu thuẫn thì tại phiên toà hội đồng xét xử, kiểm sát viên sẽ xét hỏi, thẩm vấn, tranh tụng tại phiên toà để làm rõ sự thật khách quan của vụ án. Khi có đủ các căn cứ kết tội bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích thì hội đồng xét xử căn cứ hành vi phạm tội của bị cáo, hậu quả (thương tích của người bị hại), các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo để áp dụng mức hình phạt đối với bị cáo. Nếu tại phiên toà qua thẩm vấn công khai kết hợp với tài liệu, hồ sơ vụ án, nếu xét không có căn cứ để kết tội bị cáo thì hội đồng xét xử sẽ tuyên bị cáo không phạm tội. Nếu bạn thấy vụ án mà hội đồng xét xử kết tội bị cáo là chưa đúng thì bị cáo vẫn có quyền kháng cáo yêu cầu toà án cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm xem xét lại vụ án..
Thư Viện Pháp Luật