Tư vấn lựa chọn loại hình bảo hiểm
Căn cứ Khoản 1, Khoản 3, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 58/2014/QH13, có quy định: “Người lao động là công dân Việt Nam thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bao gồm: Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng, kể cả hợp đồng lao động được ký kết giữa người sử dụng lao động với người đại diện theo pháp luật của người dưới 15 tuổi theo quy định của pháp luật về lao động; ….”. Đồng thời, quy định Người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm: “ cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam; doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động”.
Căn cứ Khoản 1, Điều 4 và chương III, Luật Bảo hiểm xã hội 58/2014/QH13, người tham gia BHXH bắt buộc được hưởng các chế độ gồm: ốm đau; thai sản; tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; hưu trí; tử tuất.
Trường hợp bạn thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc thì đề nghị Người sử dụng lao động liên hệ cơ quan BHXH quận, huyện nơi đặt trụ sở làm việc để đăng ký tham gia theo quy định của Luật BHXH.
Do câu hỏi của bạn không nêu rõ nên bạn có thể xem những quy định trên để biết bạn có thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc không và các chế độ được hưởng.
Trường hợp bạn không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, bạn có thể tham gia BHXH tự nguyện theo quy định tại khoản 4, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 58/2014/QH13. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng chế độ hưu trí và tử tuất theo quy định tại khoản 2, Điều 4 và chương IV, Luật Bảo hiểm xã hội 58/2014/QH13
Thư Viện Pháp Luật