Cần tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản
Trong thực tế, mối quan hệ giữa các chủ sở hữu bất động sản liền kề thường phát sinh nhiều vấn đề phức tạp như vấn đề xác định ranh giới chung, mốc giới chung, quyền sử dụng không gian, sử dụng dưới lòng đất… Những vấn đề phức tạp nêu trên thường được giải quyết dựa trên đạo lý, tình cảm giữa người với người. Nhưng một thực tế đạt ra là việc giải quyết theo phương thức đó không đảm bảo tính bền vững, ổn định của quan hệ láng giềng, quan hệ lâu dài bởi vì vấn đề đó có thể giải quyết ở nơi này mà không giải quyết được nơi khác; có thể giải quyết ở người này nhưng không giải quyết được với người khác vì quan hệ dân sự luôn đảm bảo nguyên tắc "thoả thuận” giữa các bên tham gia quan hệ dân sự. Xuất phát từ những thực tế đó mà Bộ Luật dân sự đã xây dựng những nguyên tắc pháp lý đảm bảo giải quyết các vấn đề phát sinh từ quan hệ làng xóm, láng giềng giữa các chủ sở hữu bất động sản liền kề trong đó có những nguyên tắc pháp lý quan trọng như: Nghĩa vụ tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản; quyền sở hữu đối với mốc giới ngăn cách các bất động sản; Nghĩa vụ tôn trọng quy tắc xây dựng; nghĩa vụ bảo đảm an toàn đối với công trình xây dựng liền kề; Nghĩa vụ của chủ sở hữu trong việc thoát nước mưa, nước thải… và nhiều quy định khác. Đối với ranh giới giữa các bất động sản luật quy định các chủ sở hữu phải có nghĩa vụ tôn trọng các nguyên tắc sau: + Ranh giới giữa các bất động sản liền kề được xác định theo thoả thuận của các chủ thể sở hữu hoặc theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. + Ranh giới cũng có thể được xác định theo tập quán hoặc theo ranh giới đã tồn tại từ ba mươi năm trở lên mà không có tranh chấp. + Người có quyền sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới trong khuôn viên đất phù hợp với quy hoạch xây dựng do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất liền kề của người khác. + Người sử dụng đất chỉ được rồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp hai bên có thoả thuận khác. + Trong trường hợp ranh giới là kênh, mương, hào, rãnh, bờ ruộng thì người sử dụng đất có có nghĩa vụ tôn trọng, duy trì ranh giới chung; không được lấn chiếm, thay đổi mốc giới ngăn cách. Như luật sư đã nêu và phân tích một số quy định của Bộ Luật dân sự về nghĩa vụ của các chủ sở hữu trong việc tôn trọng ranh giới giữa các bất động sản để bà cùng các thành viên trong gia đình hiểu và thực hiện đúng, tránh những tranh chấp đáng tiệc xảy ra.
Thư Viện Pháp Luật