Hướng dẫn gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp
Giải đáp vướng mắc của một số địa phương, đơn vị khi thực hiện việc gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư số 52/2011/TT-BTC ngày 22/4/2011 của Bộ Tài chính và Quyết định số 21/2011/QĐ-TTg ngày 6/4/2011 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính trả lời như sau:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 52/2011/TT-BTC thì số thuế TNDN được gia hạn không bao gồm số thuế tính trên phần thu nhập từ các hoạt động kinh doanh các mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu quy định tại Quyết định số 1380/QĐ-BCT ngày 25/3/2011 của Bộ Công Thương, không phân biệt thu nhập tại khâu nhập khẩu hay các khâu kinh doanh nội địa các mặt hàng này. Đối với những mặt hàng có cùng tên gọi, mã số với những mặt hàng nêu trên nhưng sản xuất trong nước thì vẫn được gia hạn nộp thuế theo quy định.
Trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế năm 2011 mà qua kiểm tra, thanh tra cơ quan thuế phát hiện số thuế TNDN phải nộp tăng so với số thuế TNDN do doanh nghiệp tự xác định thì số thuế tăng đó được gia hạn nộp thuế cho thời gian còn lại.
Trường hợp doanh nghiệp thuộc đối tượng được gia hạn nộp thuế TNDN năm 2011 nhưng chưa thực hiện các thủ tục để được gia hạn mà đang trong thời gian gia hạn thì doanh nghiệp tiếp tục được gia hạn nộp thuế TNDN năm 2011 cho thời gian gia hạn còn lại. Thời gian gia hạn còn lại được xác định bằng tổng thời gian gia hạn theo Thông tư số 52/2011/TT-BTC trừ đi khoảng thời gian bị mất đi do doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục để được gia hạn.
Trường hợp doanh nghiệp tự quyết toán thuế TNDN năm 2011 hoặc cơ quan thuế thực hiện kiểm tra, thanh tra có phát sinh số thuế TNDN được gia hạn thấp hơn so với tổng số thuế đã tính gia hạn thì doanh nghiệp chỉ được gia hạn đối với số thuế TNDN theo số thuế do kiểm tra, thanh tra phát hiện.
Tùy theo lỗi của doanh nghiệp, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra áp dụng các mức xử phạt vi phạm pháp luật về thuế theo quy định đối với các trường hợp trên.
Thư Viện Pháp Luật