Có thể cho phép đơn vị được giữ lại số kinh phí đủ chi trả chế độ cho người lao động được không?
Điểm a, khoản 1, Điều 92 Luật Bảo hiểm xã hội quy định: Người sử dụng lao động giữ lại 2% tiền lương, tiền công đóng bảo hiểm xã hội để chi trả kịp thời cho người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ ốm đau, thai sản và thực hiện quyết toán hàng quý với tổ chức bảo hiểm xã hội.
Điều 117, 118 Luật Bảo hiểm cũng quy định: Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ của người lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết chế độ ốm đau, thai sản cho người lao động. Và tổ chức Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của đơn vị sử dụng lao động.
Căn cứ quy định trên, số kinh phí 2% trích giữ lại để đơn vị chủ động thanh toán kịp thời cho người lao động, sau đó tập hợp hồ sơ đã thanh toán gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để quyết toán.
Như vậy, nếu kinh phí giữ lại 2% không đủ chi, đơn vị sử dụng lao động gửi văn bản đề nghị cơ quan Bảo hiểm xã hội tạm ứng kinh phí bổ sung để chi trả kịp thời cho người lao động, đơn vị không được giữ lại trên 2 %.
Thư Viện Pháp Luật