Thẩm quyền của Phòng Giáo dục và Đào tạo
Nghị định 14/2008/NĐ-CP mới chỉ quy định chức năng, nhiệm vụ của Phòng GDĐT như một quy định khung về các tổ chức chuyên môn của cấp huyện.
Nghị định 115/2010/NĐ-CP được ban hành đã quy định một số nhiệm vụ chủ yếu của Phòng GDĐT để đảm bảo sự thống nhất, thông suốt trong quản lý nhà nước về giáo dục ở các địa phương.
Tại Khoản 4 Điều 9 Nghị định 115/2010/NĐ-CP quy định, Phòng GDĐT có nhiệm vụ chủ trì xây dựng, tổng hợp kế hoạch biên chế sự nghiệp giáo dục của các cơ sở GDĐT và UBND cấp huyện; quyết định phân bổ biên chế sự nghiệp của các cơ sở giáo dục trực thuộc sau khi đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra, thanh tra việc tuyển dụng, sử dụng, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn huyện.
Đồng thời, Khoản 5 Điều 9 quy định, Phòng GDĐT có nhiệm vụ quyết định bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, luân chuyển, cách chức, giáng chức đối với người đứng đầu, cấp phó người đứng đầu, công nhận hội đồng trường các cơ sở giáo dục trực thuộc; công nhận, không công nhận Hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng các cơ sở giáo dục ngoài công lập thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp huyện.
Theo Bộ GDĐT, việc Chính phủ quy định một số nhiệm vụ chủ yếu nói trên đối với Phòng GDĐT là hợp lý, không có sự chồng chéo về chức năng quản lý tổ chức biên chế, quản lý nhân sự giữa Phòng GDĐT với Phòng Nội vụ. Những quy định như trên đã có sự thống nhất của các Bộ, ngành, đã được Bộ Tư pháp thẩm định trước khi trình Chính phủ ban hành.
Thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP, ngày 19/10/2011, Liên Bộ GDĐT, Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 47/2011/TTLT-BGDĐT-BNV hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Sở GDĐT thuộc UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Phòng GDĐT thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
Tại Thông tư này, Liên Bộ đã cụ thể hóa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Phòng GDĐT được quy định tại Nghị định 115/2010/NĐ-CP, trong đó có nội dung mà ông Tư đề cập.
Như vậy, việc Chính phủ và Liên Bộ quy định những nhiệm vụ chủ yếu cho Phòng Giáo dục và Đào tạo không làm ảnh hưởng tới quyền hạn của UBND cấp huyện.
Thư Viện Pháp Luật