Trách nhiệm với người tàn tật
Đối với người tàn tật, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã có Pháp lệnh quy định các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và xã hội về chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng, hỗ trợ trong học tập, tạo việc làm phù hợp để người tàn tật thực hiện các quyền bình đẳng về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội phát huy khả năng của mình để ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng, tham gia các hoạt động xã hội. Nhà nước cũng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành có trách nhiệm đối với người tàn tật như sau: + Đối với UBND các cấp có trách nhiệm: Lập danh sách những người tàn tật ở địa phương mình thông qua Hội đồng xét duyệt cấp xã đề nghị hưởng trợ cấp xã hội, đối với người tàn tật nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì đề nghị đưa vào cơ sở Bảo trợ xã hội. + Thành lập Hội đồng xét duyệt gồm Chủ tịch hoặc Phó chủ tịch UBND cấp xã làm Chủ tịch Hội đồng, thành viên Hội đồng gồm đại diện: Mặt trận Tổ quốc, một số ban, ngành và cán bộ làm công tác Lao động - Thương binh và xã hội là Uỷ viên thường trực. Hội đồng phải có kết luận bằng biên bản (theo mẫu quy định). Sau khi được Hội đồng xét duyệt thông qua, Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm làm công văn đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét quyết định. Kèm theo công văn phải có biên bản của Hội đồng xét duyệt, danh sách trích ngang những người đề nghị trợ cấp và hồ sơ của người tàn tật nặng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. + Lập sổ quản lý và thực hiện chi trợ cấp xã hội hàng tháng cho người tàn tật ở địa phương. +Thực hiện việc tiếp nhận đối tượng từ cơ sở Bảo trợ xã hội trở lại địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho người tàn tật ổn định cuộc sống và hoà nhập cộng đồng. Đối với Phòng Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm tổng hợp danh sách người tàn tật nặng do UBND cấp xã đề nghị hưởng trợ cấp xã hội; căn cứ vào khả năng, nguồn kinh phí trợ cấp của huyện và hướng dẫn của Sở Lao động - Thương binh và xã hội, báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định trợ cấp cho người tàn tật; hướng dẫn cấp xã tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp người tàn tật. Sở Lao động - Thương binh và xã hội có trách nhiệm hướng dẫn cấp dưới điều tra, thống kê, lập sổ quản lý người tàn tật. Cơ sở Bảo trợ xã hội có trách nhiệm tiếp nhận người tàn tật theo quyết định của cấp có thẩm quyền, tổ chức nuôi dưỡng, đảm bảo đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần cho người tàn tật do cơ sở quản lý... Như luật sư đã nêu thì pháp luật quy định cụ thể chi tiết cho cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện Pháp lệnh đối với người tàn tật. Nếu tại địa phương của ông có hiện tượng như ông đã nêu thì ông cần có ý kiến với UBND xã là đơn vị cơ sở trực tiếp thực hiện các chính sách để khắc phục những thiết sót như đã nêu trên.
Thư Viện Pháp Luật