Bộ LĐTBXH trả lời về kết quả các doanh nghiệp hỗ trợ huyện nghèo

Bà Hồng Trang (tỉnh Sơn La) hỏi: Trong báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP có nêu một số doanh nghiệp không thể tiếp tục hỗ trợ cho huyện nghèo, nếu vậy cơ quan chức năng có biện pháp gì và căn cứ vào đâu để biết các doanh nghiệp có thực hiện đúng cam kết của mình không?

Qua 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước đã tham gia hỗ trợ tích cực và hiệu quả cho các huyện nghèo thực hiện chương trình an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Đã có 40 doanh nghiệp tham gia giúp đỡ huyện nghèo với số tiền cam kết hỗ trợ là 2.044 tỷ đồng.

Phần lớn các doanh nghiệp đã thực hiện đầy đủ hoặc vượt số kinh phí đã cam kết. Sau 3 năm (2009-2011), các doanh nghiệp đã giải ngân số tiền tài trợ cho 62 huyện nghèo là 1.620 tỷ đồng. Việc hỗ trợ huyện nghèo hàng năm được thỏa thuận trên cơ sở kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu hỗ trợ của các địa phương. Năm 2011, trong điều kiện khủng hoảng kinh tế thế giới, trong đó có nước ta nên một số doanh nghiệp đã không thể tiếp tục hỗ trợ huyện nghèo như cam kết.

Năm 2009, Tập đoàn Vinashin nhận hỗ trợ 2 huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Chấu của tỉnh Yên Bái nhưng do điều kiện sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn nên năm 2011 Chính phủ đã phân công Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tổng công ty Cao su Việt Nam giúp đỡ 2 huyện nghèo kể trên của tỉnh Yên Bái thay cho Tập đoàn Vinashin. Việc này đã đảm bảo nguồn lực hỗ trợ từ phía doanh nghiệp cho 2 huyện nghèo của tỉnh Yên Bái bằng mức bình quân của các huyện nghèo khác trong Chương trình 30a.

Trong quá trình quản lý, theo dõi việc hỗ trợ huyện nghèo của cộng đồng doanh nghiệp, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Đảng ủy khối Doanh nghiệp Trung ương… có nhiều biện pháp linh hoạt, sáng tạo vận động những doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế và làm ăn có hiệu quả mở rộng địa bàn hỗ trợ sang các huyện nghèo khác ngoài địa bàn đang hỗ trợ, giới thiệu thêm doanh nghiệp cho các huyện đang nhận được mức tài trợ thấp.

Đồng thời, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng khuyến khích các huyện, tỉnh chủ động hơn trong việc tìm kiếm sự hỗ trợ của các doanh nghiệp. Biện pháp này đã phát huy được hiệu quả tích cực, đến nay đã có Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam, Tổng công ty Xi măng Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia… mở rộng địa bàn hỗ trợ cho các huyện nghèo thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Doanh nghiệp

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào