Quy định về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Gia đình tôi xảy ra sự việc, con tôi lái xe gây tai nạn làm bị thương nhiều người, trong đó có một người bị thương nặng, hiện vẫn phải điều trị tại bệnh viện. Khi hai bên đứng ra thương lượng về bồi thường thì gia đình bị hại đưa ra nhiều yêu cầu chi phí cho nhiều khoản chi. Tôi thấy còn có những khoản chi bất hợp lý như tiền thu nhập của người bị hại, tiền người chăm sóc, phục vụ... Nay gia đình rất mong luật sư nói rõ thêm quy định cụ thể của pháp luật về vấn đề này, để gia đình nắm rõ?

Theo quy định tại Điều 604 Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 2005, về nguyên tắc chung thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng chỉ phát sinh khi có đầy đủ các yếu tố như: Phải có thiệt hại xảy ra (bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần); Phải có hành vi trái pháp luật; Phải có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại xảy ra và hành vi trái pháp luật. Thiệt hại xảy ra phải là kết quả tất yếu của hành vi trái pháp luật và ngược lại, hành vi trái pháp luật là nguyên nhân gây ra thiệt hại; phải có lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý của người gây thiệt hại. Khi giải quyết các tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cần phải tôn trọng thỏa thuận của các bên về mức bồi thường, hình thức bồi thường, nếu những thỏa thuận đó không trái pháp luật, đạo đức xã hội. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì Tòa án mới giải quyết. Trong vụ án về tai nạn giao thông thì việc bồi thường trách nhiệm dân sự thường các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra công an; Viện kiểm sát và Tòa án) luôn tôn trọng sự thỏa thuận của hai bên, hướng cho các bên tự thỏa thuận với nhau, nếu không thỏa thuận được thì sẽ căn cứ vào các quy định của pháp luật để giải quyết việc bồi thường. Để xác định thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm được bồi thường bao gồm: Chi phí hợp lý cho cứu chữa, bổ dưỡng, phục hồi sức khỏe và chức năng bị mất, bị giảm sút (tiền thuê người đi cấp cứu, tiền thuốc, tiền mua thiết bị y tế, chi chiếu, chụp, xét nghiệm, truyền máu, vật lý trị liệu… theo chỉ dẫn của bác sỹ; tiền viện phí, tiền mua thuốc, tiếp đạm, thuốc bổ, tiền bồi dưỡng phục hồi sức khỏe cho người bị thiệt hại, các chi phí cho việc lắp chân giả, tay giả, mua xe đẩy, xe lăn, tiền hỗ trợ để phục hồi chức năng). Các khoản thu nhập thực tế của người bị thiệt hại bao gồm: Tiền lương, tiền công của người bị hiệt hại của những tháng trước khi họ bị tai nạn, nay do tai nạn họ không có thu nhập. Chi phí hợp lý cho người chăm sóc người bị thiệt hại trong thời gian điều trị (tiền tàu xe đi lại, tiền thuê nhà trọ), nếu người chăm sóc có thu nhập thực tế ổn định thì xác định khoản thu nhập của họ bị mất để chăm sóc nạn nhân. Trong trường hợp người bị hại sau khi đã điều trị mà mất khả năng lao động và cần có người thường xuyên chăm sóc (do bị liệt cột sống, bị mù lòa, liệt hai chi, bị tâm thần nặng…, tỷ lệ suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn 81% trở lên), chỉ tính thiệt hại cho một người chăm sóc người bị thiệt hại do mất khả năng lao động. Như luật sư đã phân tích thì vấn đề bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng luật quy định chi tiết, cụ thể nhưng về nguyên tắc thì hai bên đương sự tự thỏa thuận với nhau và cơ quan pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của họ. Nếu không thỏa thuận được thì yầu cầu Tòa án giải quyết theo pháp luật và Tòa án sẽ căn cứ vào các chứng cứ như đã phân tích ở trên để giải quyết việc bồi thường, bảo vệ quyền lợi cho các bên đương sự.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào