Chính sách đối với cán bộ xã nghỉ việc đang chờ bảo lưu BHXH
Trường hợp của anh nghỉ việc từ năm 2005, ở thời điểm này chế độ BHXH vẫn thực hiện theo Điều lệ BHXH và các thông tư hướng dẫn thi hành và Nghị định 121 về chế độ chính sách đối với xã, phường, thị trấn. Ở thời điểm đó anh làm các thủ tục bảo lưu thời gian đóng BHXH để chờ đến khi đủ tuổi để được hưởng chế độ hưu trí là đúng quy định. Luật BHXH được ban hành năm 2006 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2007. Tiếp đó Chính phủ ban hành Nghị định số 152 ngày 22/12/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH, Thông tư số 03 ngày 30/1/2007 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 152 có quy định: Cán bộ chuyên trách cấp xã khi thôi đảm nhiệm chức vụ trước ngày 1/1/2007 mà có đủ 10 năm đóng BHXH trở lên, còn thiếu tối đa 5 năm thì đủ tuổi nghỉ hưu và đang tự đóng tiếp BHXH hằng tháng với mức đóng hàng tháng bằng tổng mức đóng của người lao động và người sử dụng lao động theo mức lương tháng trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ vào quỹ hưu trí và tử tuất cho tổ chức BHXH nơi cư trú cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ thì được hưởng chế độ hưu trí. Tại mục D Khoản 2 Thông tư số 03 ngày 30/1/2007 quy định: Cán bộ chuyên trách cấp xã đang tự đóng tiếp BHXH hàng tháng theo quy định tại Khoản 6 Điều 58 Nghị định 152 thì mức đóng hàng tháng từ tháng 01/2007 - 12/2009 là 16% và từ tháng 1/2010 - 12/2011 là 18% trên mức lương tháng trước khi thôi đảm nhiệm chức vụ cho đến khi đủ 15 năm đóng BHXH và đủ 60 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ để hưởng chế độ hưu trí. Như luật sư đã nêu các quy định của pháp luật về BHXH thì trường hợp của anh đã đủ số năm đóng BHXH theo Nghị định 121 và đã được chủ tịch UBND huyện ra quyết định cho nghỉ chờ đủ tuổi nghỉ hưu và bảo lưu thời gian đóng BHXH. Đến tháng 8/2008, anh đã đủ 60 tuổi và có 16 năm đóng BHXH thì theo Điểm 6 Nghị định 152 và Điểm 2 mục D Thông tư 03, anh được nhận sổ hưu theo quy định mà không phải đóng BHXH tự nguyện như hướng dẫn của Phòng BHXH.
Thư Viện Pháp Luật