Về việc chuyển mục đích sử dụng đất rừng trái phép

Tại địa phương tôi, cán bộ xã và cán bộ lâm nghiệp cho phép một số hộ dân trong vùng rừng ngập mặn khai phá một số diện tích rừng để nuôi trồng thuỷ sản. Theo tôi được biết, đất rừng này từ lâu đã nằm trong vùng rừng cấm khai thác vì là rừng ngập mặn, ngăn sóng cho cả một vùng. Những hành vi như đã nêu thì có vi phạm luật hình sự không? Nếu vi phạm thì xử lý như thế nào?

Căn cứ vào Luật Bảo vệ và Phát triển rừng thì khu rừng như anh nêu thuộc rừng phòng hộ. Đối với rừng phòng hộ đầu nguồn tập trung có diện tích từ 5 nghìn héc ta và có tầm quan trọng về chức năng phòng hộ hoặc rừng phòng hộ ven biển quan trọng, phải có ban quản lý. Ban quản lý khu rừng phòng hộ là tổ chức sự nghiệp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập theo quy chế quản lý rừng. Những khu rừng phòng hộ không thuộc quy định như đã nêu trên thì Nhà nước giao, cho thuê cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, hộ gia đình, cá nhân tại chỗ quản lý, bảo vệ và sử dụng. Đối với những diện tích rừng sản xuất xen kẽ trong khu rừng phòng hộ thì chủ rừng được quản lý, sử dụng như quy định về rừng sản xuất. Đối với đất ở, đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối của hộ gia đình, cá nhân xen kẽ trong rừng phòng hộ không thuộc quy hoạch khu rừng phòng hộ thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng đúng mục đích được giao theo quy định của pháp luật về đất đai. Như quy định trên thì rừng phòng hộ nhưng tuỳ thuộc vào vùng quy hoạch rừng mà pháp luật cho phép hộ nhân dân được sử dụng vào việc nuôi trồng thuỷ sản nhưng phải tuân thủ đúng quy định của Luật Đất đai, có nghĩa là khi chuyển mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ sang mục đích sử dụng khác và chuyển mục đích sử dụng từ loại rừng này sang loại rừng khác phải phù hợp với quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đã được phê duyệt và phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (chủ tịch UBND tỉnh, thành phố quyết định chuyển mục đích sử dụng toàn bộ hoặc một phần khu rừng do chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xác lập). UBND quận, huyện quyết định giao rừng, cho thuê rừng đối với hộ gia đình, cá nhân. Như vậy, việc chuyển mục đích sử dụng rừng phải do chủ tịch UBND tỉnh quyết định. Bạn cần xem lại vụ việc như bạn nêu thì ai là người cho phép hộ gia đình cá nhân chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang rừng sản xuất. Trong trường hợp những người có chức vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý rừng mà cho phép hộ gia đình, cá nhân chuyển mục đích sử dụng rừng trái pháp luật gây hậu qủa nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì sẽ bị xử lý theo Điều 176 Bộ luật Hình sự (tội vi phạm các quy định về quản lý rừng). Mức án quy định ở điều luật này từ 6 tháng đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 -100 triệu đồng.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Chuyển mục đích sử dụng đất

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào