Những việc phải làm ngay sau khi bắt khẩn cấp và bắt truy nã
Việc phải làm ngay khi bắt người trong trường hợp khẩn cấp và bắt người trong trường hợp truy nã được quy định tại Điều 83 Bộ luật Tố tụng hình sự như sau: + Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi đã dẫn giải người bị bắt về đến trụ sở, cơ quan điều tra thụ lý vụ việc phải lấy lời khai và có quyền ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt, không phải chờ Viện Kiểm sát phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Vì vậy, trong trường hợp này khi cơ quan điều tra trả tự do cho đối tượng thì đồng thời thông báo ngay cho Viện Kiểm sát để không phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp. Trường hợp cơ quan điều tra đã ra quyết định tạm giữ nhưng không có căn cứ để phê chuẩn lệnh bắt khẩn cấp thì Viện Kiểm sát yêu câu cơ quan điều tra quyết định huỷ bỏ quyết định tạm giữ và trả tự do ngay cho người bị tạm giữ. + Đối với người bị bắt trong trường hợp truy nã, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải lấy lời khai, lập danh chỉ bản, chụp ảnh người bị bắt và phải gửi ngay thông báo kèm theo danh chỉ bản, ảnh của người đó cho cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã để đến nhận người bị bắt. Trong trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định truy nã không thể đến nhận ngay người bị bắt thì cơ quan điều tra nhận người bị bắt ra quyết định tạm giữ và gửi ngay quyết định tạm giữ cho Viện Kiểm sát cùng cấp. Nếu cơ quan điều tra ra quyết định truy nã vẫn chưa đến nhận người bị bắt thì chậm nhất trước khi hết thời hạn tạm giữ 12 giờ, cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải chuyển hồ sơ kèm theo công văn đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp gia hạn tạm giữ đối với người bị bắt. Đối với cơ quan điều tra ra quyết định truy nã sau khi đã nhận được thông báo kèm theo danh chỉ bản, ảnh của người bị bắt thì phải kiểm tra để xác định đúng là người đang truy nã hay không. Nếu xác định là đúng thì phải đến ngay cơ quan điều tra nơi tiếp nhận người bị bắt truy nã để nhận người bị bắt; nếu không đúng thì phải thông báo ngay cho cơ quan điều tra đang giữ người bị bắt trả tự do cho họ.
Thư Viện Pháp Luật