Quyền và trách nhiệm của Công đoàn cơ sở trong việc giúp đỡ, bảo vệ người lao động giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động?
Công đoàn cơ sở là nền tảng trong hoạt động của tổ chức Công đoàn, trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Điều 11 Luật Công đoàn ghi nhận: “Công đoàn cơ sở giám sát việc ký kết và thực hiện hợp đồng lao động”.
Trong việc giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng lao động, theo hướng dẫn của Thông tri số 08/TT-TLĐ ngày 18 tháng 2 năm 1995 của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam hướng dẫn công tác công đoàn về thoả ước lao động tập thể và hợp đồng lao động, Công đoàn cơ sở có những quyền và trách nhiệm sau đây:
Trong giao kết hợp đồng lao động:
- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho mọi công nhân lao động làm việc tại doanh nghiệp quán triệt mục đích, ý nghĩa của hợp đồng lao động, lợi ích của bản thân người lao động làm việc theo hợp đồng lao động. Phổ biến, hướng dẫn công nhân lao động các điều quy định cụ thể về thoả ước lao động của doanh nghiệp mình để người lao động làm căn cứ giao kết hợp đồng lao động hoặc sửa đổi, bổ sung các điều đã giao kết trong hợp đồng lao động trái với thoả ước lao động tập thể hoặc trái pháp luật.
- Trong các cơ sở chưa thực hiện giao kết hợp đồng lao động hoặc có đông người lao động chưa giao kết hợp đồng lao động thì Ban chấp hành Công đoàn cơ sở cần chủ động đề xuất, kiến nghị với người sử dụng lao động các biện pháp để tạo điều kiện giao kết hợp đồng lao động, bảo đảm 100% lao động thuộc đối tượng giao kết hợp đồng lao động đều làm việc theo hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật.
- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở cần nắm chắc từng đối tượng, trường hợp và phân cấp trách nhiệm cho các tổ hoặc công đoàn bộ phận trực tiếp hướng dẫn, giúp đỡ người lao động giao kết hợp đồng lao động theo đúng pháp luật.
- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở hướng dẫn giúp đỡ các trường hợp giao kết hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động với người được uỷ quyền, bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động.
Trong thực hiện hợp đồng lao động:
- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở cần tổ chức theo dõi phát hiện kịp thời các trường hợp người sử dụng lao động giao kết hợp đồng lao động trái quy định của pháp luật lao động và thoả ước lao động tập thể của doanh nghiệp. Nếu thấy hợp đồng lao động bất lợi, thiệt thòi cho người lao động thì Ban chấp hành Công đoàn cần kiến nghị với người sử dụng lao động bổ sung, sửa đổi hoặc thay thế.
- Tổ chức mạng lưới quần chúng của công đoàn từ tổ đến cơ sở để theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện hợp đồng lao động; có quy chế phối hợp chặt chẽ trên, dưới để giúp Ban chấp hành Công đoàn cơ sở phát hiện các trường hợp thực hiện trái với hợp đồng lao động, kịp thời kiến nghị, can thiệp yêu cầu người sử dụng lao động phải thực hiện đúng hợp đồng lao động đã ký kết; hoặc giáo dục, vận động người lao động tuân thủ hợp đồng nếu sai phạm thuộc về người lao động.
- Phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động trong việc theo dõi, chỉ đạo thực hiện; tranh thủ ý kiến của cấp uỷ Đảng trong doanh nghiệp, công đoàn cấp trên và cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các vướng mắc, tồn tại trong việc thực hiện hợp đồng lao động.
- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hợp đồng lao động, cụ thể là trong việc thực hiện các điều khoản của hợp đồng lao động như thời giờ làm việc, chế độ tiền lương.
- Thực hiện định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm đánh giá kết quả thực hiện hợp đồng lao động; tổng hợp những vướng mắc tồn tại, kiến nghị với người sử dụng lao động và cơ quan có thẩm quyền giải quyết, báo cáo kết quả thực hiện với công đoàn cấp trên.
Trong việc chấm dứt hợp đồng lao động:
- Ban chấp hành Công đoàn cơ sở cần nắm vững các trường hợp tạm hoãn, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động để có thể can thiệp, xử lý, giải quyết kịp thời, bảo đảm quyền lợi của người lao động. trong quá trình thực hiện HĐLĐ;
- Bảo vệ người lao động trong những trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động, đại diện tham gia và xử lý kỷ luật người lao động;
- Được người sử dụng lao động hỏi ý kiến khi chấm dứt hợp đồng lao động với lý do quy định tại các điểm a, b, c Khoản 1 Điều 38 Bộ luật Lao động; khi người lao động bị mất việc làm do thay đổi cơ cấu công nghệ (Điều 17 Bộ luật Lao động); khi người sử dụng lao động sa thải người lao động là Uỷ viên Ban chấp hành công đoàn, Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn.
Thư Viện Pháp Luật