Ưu tiên dành nguồn lực hỗ trợ người nghèo
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo là một mục tiêu lớn của Đảng, Nhà nước ta nhằm cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư; đồng thời thể hiện quyết tâm trong việc thực hiện Mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Việt Nam đã cam kết.
Những năm qua, việc tập trung thực hiện thành công Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình giảm nghèo đã tạo điều kiện để người nghèo tiếp cận tốt hơn các dịch vụ xã hội cơ bản; cơ sở hạ tầng của các huyện, xã nghèo được tăng cường; đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 22% năm 2005 xuống còn 9,45% năm 2010. Thành tựu giảm nghèo của nước ta thời gian qua được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, số hộ đã thoát nghèo nhưng mức thu nhập nằm sát chuẩn nghèo còn lớn, tỷ lệ hộ tái nghèo hàng năm còn cao; chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng, nhóm dân cư vẫn còn khá lớn, đời sống người nghèo nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là ở khu vực miền núi, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tình hình trên trước hết do điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nên mặc dù Nhà nước luôn dành nguồn lực lớn cho giảm nghèo nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu; bên cạnh đó, một số chương trình, chính sách giảm nghèo chưa đồng bộ, còn mang tính ngắn hạn, thiếu sự gắn kết chặt chẽ; cơ chế quản lý, chỉ đạo điều hành, phân công phân cấp còn chưa hợp lý, việc tổ chức thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở một số nơi chưa sâu sát. Ngoài ra, một bộ phận người nghèo còn tâm lý ỷ lại, chưa tích cực, chủ động vươn lên thoát nghèo.
Đặc biệt trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới và tình hình kinh tế-xã hội Việt Nam đang có nhiều biến động, nhiều khoản đầu tư công tạm thời cắt giảm, giãn tiến độ nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ vẫn ưu tiên dành nguồn lực và ban hành nhiều chính sách mới về giảm nghèo và an sinh xã hội để hỗ trợ người nghèo, cụ thể:
- Tiếp tục ưu tiên bố trí kinh phí để thực hiện các chính sách trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục, nhà ở, vay vốn tín dụng ưu đãi, đào tạo nghề lao động nông thôn…
- Ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho 62 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 7 huyện nghèo thực hiện chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.
- Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách an sinh xã hội để trợ giúp người nghèo khó khăn về đời sống như: Hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, trợ cấp khó khăn đột xuất cho các đối tượng thu nhập thấp.
Bên cạnh nguồn lực đầu tư từ ngân sách Nhà nước, nhiều nguồn lực khác cũng được huy động cho giảm nghèo và an sinh xã hội.
Để phát huy những thành tựu cũng như khắc phục những hạn chế trong công tác giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 80/NQ-CP ngày 19/5/2011 về định hướng giảm nghèo bền vững thời kỳ từ năm 2011 đến năm 2020. Theo Nghị quyết này, trong 10 năm tới, chúng ta tiếp tục thực hiện:
- Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo chung (như hỗ trợ sản xuất, học nghề, tạo việc làm, giáo dục, y tế, dinh dưỡng, nhà ở, hỗ trợ pháp lý…) cho hộ nghèo, người nghèo trên cả nước, ưu tiên người nghèo là người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật, phụ nữ và trẻ em.
- Các chính sách giảm nghèo đặc thù tập trung cho huyện nghèo, xã nghèo, hộ nghèo, người nghèo dân tộc thiểu số; hộ nghèo, người nghèo sinh sống ở huyện nghèo, xã nghèo và nông thôn, bản đặc biệt khó khăn.
Thư Viện Pháp Luật