Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được coi là hợp pháp trong các trường hợp nào?

Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được coi là hợp pháp trong các trường hợp nào?

Trong quá trình thực hiện hợp đồng lao động, các bên có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động được coi là hợp pháp khi tuân thủ những điều kiện pháp luật quy định.
1. Những trường hợp người lao động chấm dứt hợp pháp hợp đồng lao động:
– Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Bộ luật Lao động, người lao động làm việc theo loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất là 45 ngày. Trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị sáu tháng liền thì phải báo trước ít nhất ba ngày
– Những người lao động làm việc theo loại hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Bộ luật Lao động. Đồng thời, người lao động phải tuân thủ thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động quy định tại Khoản 2 Điều 37 Bộ luật Lao động. Việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động chỉ được coi là hợp pháp khi tuân thủ đủ cả hai điều kiện về lý do chấm dứt và thời gian báo trước cho người sử dụng lao động. Cụ thể như sau:
+ Khi người sử dụng lao động không bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm các điều kiện làm việc đã thoả thuận trong hợp đồng;
+ Khi người sử dụng lao động không trả công đầy đủ và đúng thời hạn theo hợp đồng;
+ Bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động như: bị đối xử tàn nhẫn, bị xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự;
+ Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị ba tháng liền đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được phục hồi.
Trong 4 trường hợp nêu trên, người lao động cần phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 3 ngày.
+ Khi bản thân hoặc gia đình thật sự có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng.
+ Khi người lao động được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở các cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước.
Trong 2 trường hợp này, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động cần phải báo trước cho người sử dụng lao động ít nhất 30 ngày (đối với loại hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng) và ít nhất là ba ngày (đối với loại hợp đồng theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng).
+ Khi người lao động nữ có thai phải nghỉ việc theo yêu cầu của thầy thuốc. Trường hợp này thời hạn báo trước tuỳ theo thời hạn do thầy thuốc chỉ định.
2. Những trường hợp người sử dụng lao động chấm dứt hợp pháp hợp đồng lao động.
Theo quy định tại Khoản 1 và 2 Điều 38 Bộ luật Lao động, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động trong các trường hợp sau:
– Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng;
– Người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải theo quy định tại Điều 85 Bộ luật Lao động;
– Người lao động làm theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn bị ốm đau, thương tật đã điều trị 12 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động xác định thời hạn đã điều trị 6 tháng liền, người lao động làm theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ốm đau đã điều trị quá nửa thời hạn hợp đồng lao động mà khả năng lao động chưa thể phục hồi;
– Do thiên tai, hoả hoạn hoặc những nguyên nhân bất khả kháng khác theo quy định của Chính phủ mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
– Doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức chấm dứt hoạt động.
Để việc đơn phương chấm dứt hợp pháp hợp đồng lao động, người sử dụng lao động còn phải tuân thủ hai điều kiện về mặt thủ tục sau:
– Điều kiện về xin ý kiến tổ chức công đoàn;
Trừ trường hợp do thiên tai, hoả hoạn hoặc những lý do bất khả kháng và doanh nghiệp chấm dứt hoạt động, khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải trao đổi, nhất trí với Ban chấp hành công đoàn cơ sở. Trong trường hợp Ban chấp hành Công đoàn cơ sở không đồng ý thì hai bên phải báo cáo với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Sau 30 ngày, kể từ ngày báo cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động địa phương biết, người sử dụng lao động mới có quyền quyết định và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Trường hợp không nhất trí với quyết định của người sử dụng lao động, ban chấp hành công đoàn cơ sở và người lao động có quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp theo trình tự do pháp luật quy định.
Khi quyết định chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn đối với người lao động là uỷ viên Ban chấp hành công đoàn thì phải được sự thoả thuận của công đoàn cùng cấp; đối với Chủ tịch Ban chấp hành công đoàn thì phải được sự thoả thuận của công đoàn cấp trên trực tiếp của công đoàn cơ sở. Đây là điều kiện để đảm bảo cho cán bộ công đoàn có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không phải chịu bất kỳ một sức ép nào.
– Điều kiện về thời hạn báo trước: Trừ trường hợp người lao động bị kỷ luật sa thải, trước khi quyết định chấm dứt hợp đồng, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động làm việc theo loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn ít nhất 45 ngày, theo loại hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng ít nhất 30 ngày, theo loại hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng ít nhất 3 ngày.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào