Hợp đồng lao động được tạm hoãn trong trường hợp nào? Việc tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động sau khi hết thời hạn tạm hoãn?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động và Điều 10 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ thì hợp đồng lao động được tạm hoãn thực hiện trong những trường hợp sau:
- Người lao động đi làm nghĩa vụ quân sự hoặc các nghĩa vụ công dân khác do pháp luật quy định;
- Người lao động bị tạm giữ, tạm giam;
- Các trường hợp khác do hai bên thoả thuận, bao gồm:
+ Người lao động xin đi học trong nước hoặc ngoài nước;
+ Người lao động xin đi làm việc có thời hạn cho cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước hoặc ngoài nước;
- Người lao động được chuyển làm cán bộ chuyên trách trong các Hội đồng của doanh nghiệp nhà nước;
- Người lao động xin nghỉ không hưởng tiền lương để giải quyết những công việc khác của bản thân.
Khi hết thời hạn tạm hoãn đối với các trường hợp nói trên (trừ trường hợp người lao động bị tạm giữ, tạm giam), hợp đồng lao động được tiếp tục thực hiện như sau:
- Người lao động phải có mặt tại nơi làm việc. Nếu quá 5 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn hợp đồng lao động mà người lao động không đến địa điểm làm việc không có lý do chính đáng thì bị xử lý kỷ luật theo quy định tại điểm c Khoản 1 Điều 85 Bộ luật Lao động.
- Người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc, có trách nhiệm sắp xếp việc làm cho người lao động. Nếu người lao động đến đơn vị để làm việc đúng thời hạn quy định mà phải nghỉ chờ việc thì được hưởng lương theo quy định tại Khoản 1 Điều 62 Bộ luật Lao động.
Đối với người lao động bị tạm giữ, tạm giam, hợp đồng lao động được tiếp tục thực hiện như sau:
+ Việc tạm giữ tạm giam liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động:
- Khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc khi toà án xét xử kết luận là người lao động bị oan thì người sử dụng lao động phải nhận họ trở lại làm việc cũ, trả đủ tiền lương và các quyền lợi khác trong thời gian người lao động bị tạm giữ, tạm giam theo quy định tại Nghị định 114/2002/NĐ-CP ngày 31/12/2002 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về tiền lương.
- Trường hợp đương sự là người phạm pháp nhưng Toà án xét xử cho miễn tố không bị tù giam hoặc không bị Tòa án cấm làm công việc cũ, thì tuỳ theo tính chất sai phạm, người sử dụng lao động bố trí cho người đó làm việc cũ hoặc sắp xếp công việc mới.
+ Việc tạm giữ, tạm giam không liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động thì khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam, người sử dụng lao động bố trí cho người đó làm việc cũ hoặc sắp xếp việc mới.
Thư Viện Pháp Luật