Tình huống pháp lý về chiếm dụng tài sản công ty
C là chủ tịch HĐTV (nắm 50% vốn điều lệ)
B là giám đốc công ty (người đại diện theo PL cho công ty)
C ra quyết định cách chức B.
B không đồng ý với quyết định trên, vẫn giữ con dấu của công ty.
Sau khi có quyết định, B vẫn thực hiện ký kết hợp đồng “vay tài sản” với công ty X
Công ty X không biết việc B bị cách chức
Hợp đồng vay tài sản có giá trị lớn hơn 50% tổng giá trị tài sản của công ty
Hợp đồng vay có giá trị 700 triệu VNĐ
Tổng giá trị tài sản của công ty theo báo cáo tại thời điểm gần nhất, có giá trị 1 tỷ 200 triệu VNĐ
B thực hiện hợp đồng vay nhằm mục đích cá nhân
Công ty X chuyển trước 300 triệu cho công ty TNHH Phương Đông
B bí mật chuyển tiếp số tiền trên vào tài khoản cá nhân của mình
C nộp đơn kiện B
Phải hoàn trả 300 triệu đồng cho công ty
Bồi thường những thiệt hại gây ra cho công ty.
Công ty X (viết tắt cty X)nộp đơn kiện công ty TNHH Phương Đông (viết tắt cty PĐ)
Phải hoàn trả số tiền 300 triệu đồng
Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng.
Cách giải quyết đơn khởi kiện của C và công ty X:
Do tình huống trên còn thiếu nhiều dữ kiện cần thiết; vì vậy, trong phạm vi nội dung tình huống, Tổ tư vấn xin trao đổi một số ý kiến về tình huống như sau:
Theo điểm d khoản 2 Điều 47 Luật Doanh nghiệp (viết tắt LDN), hợp đồng vay giữa B và cty X phải được Hội đồng thành viên cty PĐ ra quyết định thông qua. Khi đó, hợp đồng vay mới có giá trị ràng buộc đối với cty PĐ. Do tình huống không nói rõ nên chúng ta có hai trường hợp:
Thứ nhất, Hội đồng thành viên cty PĐ chấp nhận hợp đồng vay giữa B và cty X. Trường hợp này phù hợp với các dữ kiện của tình huống nêu ra, ví dụ như: cty X chuyển 300 triệu vào tài khoản của cty PĐ (tài khoản của công ty không nhất thiết do người đại diện theo PL đứng tên); sau đó, B chuyển tiếp khoản tiền trên vào tài khoản của mình; C đòi B “hoàn trả” số tiền trên cho công ty. Như vậy, nội dung đơn kiện của C là đúng pháp luật. Bởi vì, B đã thực hiện hành vi chiếm dụng khoản vốn vay của cty PĐ.
Thứ hai, Hội đồng thành viên cty PĐ không biết việc B nhân danh công ty ký kết hợp đồng vay với cty X. Theo đây, căn cứ điểm b khoản 5 Điều 42 LDN, B phải chịu trách nhiệm cá nhân về hành vi ký kết, nhằm mục đích tư lợi bất chính. Như vậy, nội dung đơn kiện của C là chưa phù hợp; ở đây, C chỉ đứng đơn với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích cho cty X (yêu cầu B trả tiền và bồi thường cho cty X), hoặc người có quyền và nghĩa vụ liên quan (yêu cầu B cải chính cho cty PĐ). B không có nghĩa vụ trả tiền cho cty PĐ ngoại trừ những khoản bồi thường thiệt hại, nếu cty PĐ chứng minh được thiệt hại gây ra do lỗi của B.
Việc cách chức B có đúng luật DN không:
Dựa vào các dữ kiện của tình huống, việc cách chức B là không đúng LDN cũng như chưa thể có giá trị về mặt pháp lý. Chúng ta sẽ làm rõ thông qua những vấn đề sau:
Thứ nhất,việc cách chức B có lý do chính đáng hay không. Nếu chỉ căn cứ LDN thì cơ sở xác định lý do ở đây là hợp đồng lao đồng giữa B và cty PĐ (căn cứ điểm l khoản 2 Điều 55 LDN); hay nghĩa vụ do luật định, trong trường hợp không có thỏa thuận (căn cứ khoản 1 Điều 56 LDN)
Thứ hai, chủ tịch Hội đồng thành viên của cty PĐ có quyền cách chức giám đốc hay không. Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 47 LDN, việc cách chức giám đốc phải do Hội đồng thành viên của cty PĐ quyết định.
Thứ ba,việc C nắm giữ 50% số vốn góp đã “mặc nhiên” thông qua quyết định cách chức B trước Hội đồng thành viên hay chưa.Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 52 LDN, quyết định của Hội đồng thành viên chỉ được thông qua khi có số phiếu đại diện ít nhất 65% hay tỷ lệ khác cao hơn do điều lệ quy định so với tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận. Như vậy, việc C lợi dụng số vốn góp của mình để cách chức B là chưa thể xảy ra, nếu xét trong các trường hợp sau đây:
Tất cả các thành viên đều tham gia cuộc họp (trong đó bao gồm cả B). Khi đó, số phiếu đại diện của C chỉ tương đương 50% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp ( A nắm 20%; B nắm 20% và D nắm 10%)
A hoặc D không tham gia cuộc họp (căn cứ khoản 3 Điều 51 LDN). Khi đó, số phiếu đại diện của C chỉ tương đương 55% (do vắng D) hay 62,5% (do vắng A) so với tổng số vốn góp của các thành viên dự họp
A và D không tham gia cuộc họp. Khi đó, số phiếu đại diện của C hơn 71% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp. Tuy nhiên, điều lệ lại quy định quyết định của Hội đồng thành viên chỉ được thông qua khi có số phiếu đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp. Trường hợp này, việc C muốn cách chức B phải có ít nhất sự tham gia của A trong cuộc họp Hội đồng thành viên.
Thứ tư, quyết định cách chức B của Hội đồng thành viên_quyết định thay đổi người đại diện theo pháp luật đã được đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh hay chưa (căn cứ khoản 1 Điều 26 LDN); đồng thời, việc cách chức B đã được ghi vào biên bản họp Hội đồng thành viên hay chưa (căn cứ Điều 53 LDN) và quyết định sửa đổi nội dung Điều lệ cty đã được thông qua hay chưa (căn cứ khoản 8 Điều 22; điểm k khoản 2 Điều 47; khoản 1 và điểm b khoản 2 Điều 52 LDN). Ngoài ra, cần nói thêm ở đây, việc thay đổi người đại diện theo pháp luật phải tiến hành đồng thời với nghĩa vụ chuyển giao con dấu của cty cho người đại diện theo pháp luật mới (căn cứ khoản 2 Điều 36 LDN)
Vấn đề thứ tư rất quan trọng, nó là căn cứ để cty PĐ chứng minh việc B không còn là người đại diện theo pháp luật của cty; cũng như chứng minh không có lỗi của Hội đồng thành viên (khác cty PĐ) trong việc để B gây thiệt hại cho người khác.
Hợp đồng B kí có hiệu lực không và ai phải chịu trách nhiệm bồi thường và thanh toán nợ:
Một số giả định được đưa ra như sau:
Hợp đồng ký kết giữa B và cty X chưa được Hội đồng thành viên của cty PĐ quyết định thông qua (căn cứ điểm d khoản 2 Điều 47; điểm a khoản 2 và khoản 3 Điều 52 LDN)
Hội đồng thành viên của cty PĐ đã thông qua quyết định cách chức B và hoàn tất các nghĩa vụ liên quan đến việc thay đổi người đại diện theo pháp luật của cty.
B đã cố ý không chuyển giao con dấu của cty PĐ cho người đại diện theo pháp luật mới (căn cứ khoản 2 Điều 36 LDN, khoản 5 Điều 584 Bộ Luật dân sự)
Dựa vào các giả định nêu trên, hợp đồng vay tài sản giữa B và cty X không có hiệu lực pháp luật. Hợp đồng này đã bị vô hiệu do hành vi lừa dối của B, khiến cty X hiểu sai về chủ thể ký kết hợp đồng với mình (căn cứ Điều 132; khoản 1 Điều 410 Bộ Luật dân sự). Theo đây, cty X đã lầm tưởng B là người đại diện theo pháp luật của cty PĐ.
Do hợp đồng bị vô hiệu, B có trách nhiệm hoàn trả số tiền 300 triệu đồng cho cty X; đồng thời, bồi thường các thiệt hại phát sinh do lỗi của B gây ra cho cty X (căn cứ Điều 137 Bộ Luật dân sự)
Thư Viện Pháp Luật