Giám sát của ĐBQH đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo
Theo quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội thì các ĐBQH và Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Đoàn đại biểu Quốc hội có trách nhiệm tổ chức để ĐBQH tiếp công dân, giám sát cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Khi nhận được khiếu nại, tố cáo của công dân, ĐBQH có trách nhiệm tổ chức nghiên cứu và trực tiếp hoặc thông qua Đoàn đại biểu Quốc hội chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét trong thời hạn do pháp luật quy định và thông báo cho ĐBQH, Đoàn đại biểu Quốc hội biết việc giải quyết trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày ra quyết định giải quyết. Trong trường hợp xét thấy việc giải quyết không thoả đáng, ĐBQH, Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền gặp người đứng đầu cơ quan, tổ chức hữu quan để tìm hiểu, yêu cầu xem xét lại. Khi cần thiết, ĐBQH, Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu người đứng đầu cơ quan hữu quan, tổ chức hữu quan cấp trên của cơ quan, tổ chức đó giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, ĐBQH, Đoàn đại biểu Quốc hội có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan hoặc người khiếu nại, tố cáo đến trình bày và cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan xem xét, xác minh những vấn đề mà ĐBQH quan tâm, tổ chức đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội để giám sát việc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân địa phương. Như luật sư đã nêu thì trong trường hợp những vấn đề công dân khiếu nại, đã được cấp có thẩm quyền giải quyết mà họ cho rằng quyết định giải quyết đó chưa thoả đáng, thì công dân có thể thông qua ĐBQH hoặc Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh đề nghị xem xét lại việc giải quyết của cơ quan có thẩm quyền để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
Thư Viện Pháp Luật