Trả lời về việc đặc cách cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế
Để được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế, người đề nghị cấp thẻ phải đáp ứng đủ các điều kiện về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và ngoại ngữ. Theo đó, Quy chế HDV du lịch ban hành năm 1994 quy định trình độ ngoại ngữ đối với người đề nghị cấp thẻ là phải có bằng tốt nghiệp đại học ngoại ngữ hoặc tương đương; Pháp lệnh Du lịch ban hành năm 1999 quy định trình độ ngoại ngữ là thành thạo và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ là phải tốt nghiệp đại học.
Luật Du lịch có hiệu lực năm 2006 quy định tiêu chuẩn cấp thẻ HDV quốc tế: Có trình độ cử nhân chuyên ngành hướng dẫn du lịch trở lên, nếu tốt nghiệp đại học chuyên ngành khác thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ về hướng dẫn du lịch do cơ sở đào tạo có thẩm quyền cấp và sử dụng thành thạo 1 ngoại ngữ.
Như vậy, các văn bản pháp luật trước đây và Luật Du lịch hiện nay đều quy định rõ người đề nghị cấp thẻ HDV du lịch quốc tế phải có trình độ tối thiểu là tốt nghiệp đại học.
Hiện nay, trên toàn quốc đã có hơn 9.700 HDV, trong đó có hơn 6.200 HDV du lịch quốc tế phục vụ hơn 6 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong năm 2011.
Thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã nhận được ý kiến đề nghị giảm trình độ cấp thẻ HDV du lịch quốc tế xuống trình độ cao đẳng thay vì đại học như hiện nay. Tổng hợp kết quả đề xuất từ các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy chỉ có khoảng 245 trường hợp không đáp ứng quy định về cấp thẻ HDV du lịch quốc tế của Luật Du lịch, đề nghị được cấp thẻ đặc cách. Tổng cục Du lịch đã báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc cấp thẻ HDV đặc cách cho những đối tượng trên.
Đối với trường hợp ông Phan Vũ Huy Tuấn, ông Tuấn mới có trình độ cao đẳng chuyên ngành tiếng Anh, nghiệp vụ du lịch là chưa đáp ứng đủ điều kiện quy định của Luật Du lịch. Do vậy, hiện tại khi chưa có quy định mới nào về cấp thẻ HDV du lịch đặc cách, ông Tuấn chưa đủ điều kiện được cấp thẻ HDV du lịch quốc tế.
Thư Viện Pháp Luật