Căn cứ vào văn bản nào để chuyển xếp lương, nâng bậc lương, nâng ngạch cho cán bộ hợp đồng lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp
Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể về việc chuyển, xếp ngạch và nâng lương đối với cán bộ hợp đồng lao động trong các đơn vị hành chính sự nghiệp. Để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, đối với đơn vị đơn vị hành chính sự nghiệp có thể vận dụng các quy định sau để chuyển, xếp ngạch và nâng lương cho cán bộ hợp đồng lao động cho phù hợp: 1. Về chuyển, xếp ngạch lương người lao động - Khoản 1 và 2 Điều 90 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định “1. Tiền lương là khoản tiền mà người sử dụng lao động trả cho người lao động để thực hiện công việc theo thỏa thuận. Tiền lương bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác. Mức lương của người lao động không được thấp hơn mức lương tối thiểu do Chính phủ quy định. 2. Tiền lương trả cho người lao động căn cứ vào năng suất lao động và chất lượng công việc”. - Điều 102 Bộ luật Lao động quy định “Các chế độ phụ cấp, trợ cấp, nâng bậc, nâng lương và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thoả thuận trong hợp đồng lao động, thoả ước lao động tập thể hoặc quy định trong quy chế của người sử dụng lao động.” Căn cứ quy định trên, đơn vị có thể thỏa thuận với người lao động để ký phụ lục hợp đồng có nội dung về ngạch lương theo công việc, chức danh mới sau khi người lao động đã đi học nâng cao trình độ chuyên môn. 2. Về mức lương Đơn vị căn cứ Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang để xếp mức lương cho người lao động. 3. Về nâng lương Đơn vị căn cứ Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước thời hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động để xét nâng lương cho người lao động.
Thư Viện Pháp Luật