Chuyển quyền sở hữu tài sản

Tôi có vấn đề như sau xin được tư vấn: Cha tôi mất đã lâu, để lại cho gia đình tôi ( mẹ tôi, anh tôi và tôi) 2 căn nhà có diện tích và kết cấu hoàn toàn giống nhau. Cả hai căn nhà đều do mẹ tôi đứng tên. Nay mẹ tôi muốn chia cho tôi 1 căn nhà làm tài sản riêng. Vậy xin hỏi: 1. Anh tôi có quyền hạn gì trong việc chuyển quyển sở hữu căn nhà từ mẹ tôi sang cho tôi hay không? 2. Trong trường hợp anh tôi phản đối việc mẹ tôi cho tôi căn nhà này thì có cách nào giải giải quyết hay không. ( bao gồm cả trường hợp không thể thỏa thuận riêng giữa mẹ tôi, anh tôi và tôi) Xin cảm ơn.

Căn cứ vào điều 27 Luật hôn nhân và gia đình 2000, Điều 219, 676 Bộ luật dân sự 2005:

Điều 27: Tài sản chung của vợ chồng

1. Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất.

2. Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu phải ghi tên của cả vợ chồng.

3. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

 

Ðiều 219: Sở hữu chung của vợ chồng

Sở hữu chung của vợ chồng là sở hữu chung hợp nhất.
Vợ chồng cùng nhau tạo lập, phát triển khối tài sản chung bằng công sức của mỗi người; có quyền ngang nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Vợ chồng cùng bàn bạc, thoả thuận hoặc uỷ quyền cho nhau chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung.
Tài sản chung của vợ chồng có thể phân chia theo thoả thuận hoặc theo quyết định của Toà án.

Ðiều 676: Người thừa kế theo pháp luật

Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

 

Về đúng nguyên tắc, thì tài sản chung của vợ chồng nếu có đăng ký quyền sở hữu phải do cả vợ chồng đứng tên, tuy nhiên trước khi luật hôn nhân và gia đình 2000 có hiệu lực, thì đa số tài sản phải đăng ký quyền sở hữu chỉ do một người đứng tên, trường hợp này là mẹ bạn đứng tên. Trong tình huống này, vì bạn không nói gì thêm nên chúng tôi mặc nhiên hiểu rằng tài sản gồm 2 căn nhà trên là tài sản chung của cha mẹ bạn và lúc mất, cha bạn không để lại di chúc.

Như vậy, xét về mặt pháp lý thì di sản của cha bạn để lại khi mất là một căn nhà (Dựa vào mô tả, chúng tôi giả định rằng giá trị 2 căn nhà là ngang nhau và không có sự phân biệt). Và việc phân chia di sản theo pháp luật ở hàng thừa kế thứ nhất (Mẹ bạn, bạn và Anh bạn) mỗi người sẽ được hưởng giá trị của 1/3 căn nhà là di sản của cha bạn.

Vấn đề bạn đề cập “mẹ tôi muốn chia cho tôi 1 căn nhà làm tài sản riêng”, điều này là hoàn toàn có thể bởi mẹ bạn hiện đang sở hữu căn nhà là tài sản của riêng bà cộng thêm giá trị 1/3 căn nhà được nhận thừa kế từ chồng. Mẹ bạn có toàn quyền định đoạt căn nhà đó (Cho, tặng, mua bán, …). Anh bạn không có quyền can thiệp vào vấn đề này.

Trường hợp anh bạn phản đối việc mẹ bạn cho bạn căn nhà, bạn có quyền yêu cầu người anh chấm dứt hành vi ngăn cản hoặc có thể báo lên các cơ quan thẩm quyền nếu cảm thấy cần thiết.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào