Quy định về uỷ quyền trong công tác

Phòng Môi trường chăn nuôi thuộc Cục Chăn nuôi từ khi thành lập đến nay chỉ có hai chuyên viên, tôi và chị Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, chúng tôi không có quyết định bổ nhiệm các chức danh trưởng, phó phòng hay phụ trách phòng mà do một Phó cục trưởng phụ trách (được Cục trưởng giao nhiệm vụ cho Cục phó). Gần đây, Cục phó đã có văn bản uỷ quyền cho chị Hoa quản lý, điều hành công việc của phòng khi đồng chí Cục phó đi công tác vắng. Xin luật sư cho biết việc uỷ quyền của đồng chí Cục phó cho chị Hoa có đúng quy định của pháp luật không?

Theo quy định của Bộ luật Dân sự về hợp đồng uỷ quyền là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên được uỷ quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên uỷ quyền, còn bên uỷ quyền chỉ phải trả thù lao, nếu có thoả thuận hoặc pháp luật quy định. Luật cũng quy định: Uỷ quyền lại tức là bên được uỷ quyền chỉ được uỷ quyền lại cho người thứ ba, nếu được bên uỷ quyền đồng ý hoặc pháp luật có quy định. Uỷ quyền lại không được vượt quá phạm vi uỷ quyền ban đầu. Như vậy bản chất của hợp đồng uỷ quyền là thực hiện công việc nhân danh người khác nên phải được lập thành văn bản mà không có hình thức uỷ quyền bằng miệng. Theo quy định pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức thì cán bộ, công chức phải chấp hành nghiêm chỉnh đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước; thi hành nhiệm vụ, công vụ theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của mình; cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo còn phải chịu trách nhiệm về việc thi hành nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức thuộc quyền theo quy định của pháp luật. Cán bộ, công chức phải chấp hành quyết định của cấp trên; Khi có căn cứ để cho là quyết định đó trái pháp luật thì phải báo cáo ngay với người ra quyết định; Trong trường hợp vẫn phải chấp hành quyết định thì phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp của người ra quyết định và không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành quyết định đó. Như vậy, cán bộ, công chức khi thực hiện việc uỷ quyền vừa phải thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự và vừa phải thực hiện theo pháp luật về cán bộ, công chức. Trong mỗi ngành, mỗi cơ quan đều có quy định, quy chế về bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của ngành và của từng chức danh cụ thể; quy định những quyền cũng như trách nhiệm, nghĩa vụ của từng cán bộ, công chức, viên chức đối với cơ quan, đơn vị, đối với nhiệm vụ được phân công. Vì luật sư chưa biết được nội quy, quy chế của cơ quan chị quy định như thế nào nên chưa thể khẳng định việc Phó cục trưởng uỷ quyền cho chuyên viên quản lý điều hành công việc của Phòng là đúng hay chưa đúng. Chị cần đối chiếu với quy định của ngành để xác định việc làm đó của Phó Cục trưởng là đúng hay chưa đúng. Nếu chưa đúng chị cũng có quyền đề nghị cấp trên xem xét lại quyết định uỷ quyền trên của Phó cục trưởng.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào