Hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp
Tại Điều 171 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định: Người nào vì mục đích kinh doanh mà chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá hoặc các đối tượng sở hữu công nghiệp khác đang được bảo hộ tại Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo giam giữ đến 2 năm (khoản 1 Điều 171 BLHS)... nếu phạm tội ở khoản 2, khoản 3 (Điều171 BLHS) có mức án từ 6 tháng đến 5 năm. Tại Thông tư liên tịch số 01 ngày 29/2/2008 của liên bộ hướng dẫn xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hoá giả tạo nhãn hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc các trường hợp sau đây thì bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo khoản 1 Điều 171 BLHS: + Đã thu lợi nhuận từ 10.000.000đồng đến dưới 50.000.000đồng; + Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000đồng đến dưới 150.000.000đồng; + Hàng hoá vi phạm có giá trị từ 50.000.000đồng đến dưới 150.000.000đồng. Bị truy tố theo khoản 2 Điều 171 BLHS (bị coi là gây hậu quả rất nghiêm trọng) khi đã thu được lợi nhuận từ 50.000.000đồng đến dưới 150.000.000đồng; Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 150.000.000đồng đến dưới 450.000.000đồng; Hàng hoá vi phạm có giá trị từ 150.000.000đồng đến dưới 500.000.000đồng. Bị truy tố theo khoản 3 Điều 171 BLHS (bị coi là gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng) khi đã thu được lợi nhuận từ 150.000.000đồng trở lên; Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 450.000.000đồng trở lên; Hàng hoá vi phạm có giá trị từ 500.000.000đồng trở lên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự thì những người có hành vi như đã nêu ở phần trên chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi có yêu cầu của chủ thể quyền tác giả hoặc yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu. Vì vậy, Cty anh phải căn cứ vào các quy định của BLHS và có văn bản đề nghị các cơ quan pháp luật xử lý cá nhân, đơn vị có hành vi vi phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Thư Viện Pháp Luật