Kê biên tài sản trong thi hành án dân sự
Qua nghiên cứu đơn và thư trình bày của ông; luật gia thấy không rõ Tòa án quyết định giải quyết vụ việc vay nợ như thế nào, nhưng đến thời điểm hiện nay, cơ quan thi hành án mời con gái ông lên để nhận quyết định thi hành án buộc phải trả cho bà Hoa 28 triệu đồng, nộp tiền tại cơ quan thi hành án một lần, nếu không sẽ bị kê biên nhà. Về hoàn cảnh gia đình con gái ông, hai vợ chồng sống dựa vào tiền lương nên không có điều kiện để trả nợ một lần. Luật sư xin nêu các quy định về kê biên trong thi hành án để gia đình nắm bắt được các quy định của pháp luật. Luật quy định, chỉ được kê biên quyền sử dụng đất, nhà ở của người phải thi hành án nếu sau khi kê biên hết các tài sản khác mà vẫn không đủ để thi hành án. Chỉ được kê biên tài sản của người phải thi hành án đủ để bảo đảm thi hành án và thanh toán các khoản chi phí về thi hành án. Trong trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nghĩa vụ phải thi hành án mà không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì chấp hành viên vẫn tiến hành kê biên tài sản đó để đảm bảo thi hành án. Như vậy nếu căn nhà của con gái ông gấp 5 lần số tiền con ông phải thi hành án mà cơ quan thi hành án chưa kê biên tài sản trong nhà thì cũng không được kê biên nhà ở của con ông. Hiện nay ông cùng con gái có đơn xin đề nghị được thi hành án khoản vay nợ của bà Hoa bằng hình thức trả dần trong nhiều tháng, đề nghị này là hợp lý, hợp tình nên cơ quan thi hành án cần xem xét chấp thuận đè nghị của đương sự. Ông làm đơn như vậy là phù hợp, ông và con gái cần bàn bạc cụ thể và gửi đơn lên cơ quan thi hành án huyện để đề nghị giải quyết. Nếu cơ quan thi hành án huyện không nhất trí thì gửi đơn lên cơ quan thi hành án cấp tỉnh đề nghị can thiệp đồng thời đề nghị Tòa án xem xét về khoản vay mượn này bản chất có đúng là vay mượn không. Nếu vay do bị giật hụi thì đề nghị cơ quan Công an điều tra làm rõ và xử lý người vi phạm theo pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật