Quy định về chế độ đối với cán bộ xã
Qua thư ông trình bày, đối chiếu với Luật Công chức và Nghị định số 62 ngày 22/10/2009 của Chính phủ thì khi ông giữ vị trí Bí thư xã đoàn (nay là Bí thư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh), chức danh này gọi là cán bộ cấp xã. Cán bộ cấp xã nếu có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thì thực hiện xếp lương theo bảng lương của Chính phủ (theo Nghị định 62). Nếu đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thì thực hiện xếp lương như công chức hành chính theo Nghị định 204 ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Khi ông làm công tác thống kê (nay gọi là tài chính - kế toán) và làm công tác bưu điện, bưu tá của xã thì công việc này gọi là cán bộ văn hóa - xã hội, các chức danh này gọi là công chức cấp xã. Tất cả các chức danh này đều được xếp lương theo bảng lương chức vụ hoặc bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ theo Nghị định 204 ngày 14/12/2004 của Chính phủ. Khi đã được xếp lương theo bảng lương thì được đóng BHXH, BHYT bắt buộc theo quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội và được hưởng chế độ hư trí theo Luật Bảo hiểm xã hội (có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, nam đủ 60 tuổi). Nếu khi nghỉ việc đã hết tuổi lao động, có từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm đóng BHXH bắt buộc, chưa nhận trợ cấp BHXH một lần, có nhu cầu tham gia BHXH tự nguyện thì được đóng tiếp theo quy định tại Nghị định 190 ngày 29/12/2007 của Chính phủ cho đến khi đủ 20 năm đóng BHXH thì được hưởng lương hưu hằng tháng. Đối chiếu với quy định như đã nêu trên thì luật gia thấy ông có đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng chế độ hưu trí theo Luật Bảo hiểm xã hội. Vì thư ông chỉ nói tham gia các công việc và hưởng các mức lương, phụ cấp, ông chưa nói rõ về vấn đề đóng bảo hiểm của ông như thế nào (được bao nhiêu năm). Vấn đề này ông phải đề nghị chủ tịch UBND xã và bảo hiểm xã hội huyện xem xét giải quyết quyền lợi cho ông. Vì hiện nay Nghị định 62 cũng quy định giải quyết các tồn tại đối với cán bộ xã để đảm bảo chế độ cho người lao động
Thư Viện Pháp Luật