Phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản Fenspat

Bà Đặng Thị Minh (tỉnh Lào Cai) đề nghị giải đáp vướng mắc về mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản Fenspat dùng làm nguyên liệu gốm sứ, thủy tinh. Theo phản ánh của bà Minh, căn cứ quy định tại Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thì Fenspat được xếp vào nhóm quặng đá quý, mức thu phí tối đa 70.000 đồng/tấn. Tuy nhiên phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản lại xếp Fenspat vào nhóm khoáng chất công nghiệp. Bà Minh hỏi: Khoáng sản Fenspat quy định trong hai Nghị định nêu trên có khác nhau không? Mức thu phí của Fenspat dùng làm nguyên liệu gốm sứ thủy tinh có thể áp dụng mức thu đối với khoáng chất công nghiệp không?

Về phân loại Fenspat cùng nhóm quặng đá quý

Theo Biểu khung thuế suất thuế tài nguyên quy định tại khoản 1 Điều 7Luật Thuế tài nguyên số 45/2009/QH12 thì Fenspat được phân loại cùng nhóm thạch anh tinh thể màu tím xanh, vàng lục, da cam; cryolite; ô - pan (pan) quý màu trắng, đỏ lửa; birusa; nefrite và cùng chịu khung thuế suất thuế tài nguyên là từ 12 - 25%.

Để thống nhất với Danh mục khoáng sản chịu thuế tài nguyên như trên, Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 25/8/2011 của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường cũng đã phân loại Fenspat vào nhóm quặng đá quý áp dụng khung phí bảo vệ môi trường từ 50.000 đồng/tấn đến 70.000 đồng/tấn (có tính đến dự báo thay đổi của giá trong những năm tới).

Tại điểm b khoản 2 Điều 11 Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày 9/3/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản có quy định về điều kiện được khoanh định là khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ. Theo đó đã quy định danh mục quy mô tài nguyên, trữ lượng khoáng sản phân tán nhỏ lẻ ở khu vực khai thác khoáng sản đã có quyết định đóng cửa mỏ có trữ lượng và tài nguyên dự tính còn lại thuộc quy mô nhỏ tại Phụ lục kèm theo và Fenspat được liệt kê trong nhóm khoáng sản công nghiệp.

Về mức phí bảo vệ môi trường đối với khoáng sản Fenspat

Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 74/2011/NĐ-CP quy định mức thu phí bảo vệ môi trường đối với Fenspat từ 50.000 đồng/tấn đến 70.000 đồng/tấn.

Khoản 4 Điều 4 Nghị định số 74/2011/NĐ-CP quy định HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu cụ thể phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Nghị định số 74/2011/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2012, đến nay mới được gần 6 tháng. Bộ Tài chính xin ghi nhận ý kiến của bà Đặng Thị Minh để nghiên cứu, đánh giá tình hình thực hiện phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản Fenspat, trên cơ sở đó sẽ xem xét, tổng hợp và báo cáo Chính phủ để sửa đổi, bổ sung Nghị định số 74/2011/NĐ-CP cho phù hợp với tình hình thực tế.

Đi đến trang Tìm kiếm nội dung Tư vấn pháp luật - Phí bảo vệ môi trường

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào