Trả lời về chế độ đối với cán bộ tiền khởi nghĩa
Chế độ mai táng phí cho thân nhân
Căn cứ Điều 10, Nghị định số 28/CP ngày 29/4/1995 của Chính phủ quy định: “Người hoạt động cách mạng được hưởng phụ cấp tiền khởi nghĩa hàng tháng mức 50.000 đồng (năm mươi ngàn đồng) và được hưởng kể từ ngày 01/01/1995”.
Như vậy, ngoài khoản phụ cấp nêu trên không có quy định nào về các chế độ khác như: Cấp tiền để mua báo Nhân dân hàng ngày, mai táng phí, chế độ hưởng tiền tuất hàng tháng của cha, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con đẻ bị tật nguyền bẩm sinh hoặc bị tàn tật từ nhỏ.
Hiện nay, Nghị định số 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 của Chính phủ tại mục 3, Điều 2 quy định “Người hoạt động Cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 chết được hưởng mai táng phí, trợ cấp một lần bằng 03 tháng trợ cấp mà người hoạt động cách mạng được hưởng trước khi chết. Thời hạn áp dụng kể từ ngày 01/10/2005”.
Đối chiếu với quy định trên, cụ Nguyễn Chỉ Vinh chết năm 2003 nên không được giải quyết chế độ mai táng phí cho thân nhân của cụ là đúng với quy định của Nhà nước.
Chế độ trợ cấp một lần
Về chế độ trợ cấp một lần theo Nghị định số 89/2008/NĐ-CP ngày 13/8/2008 của Chính phủ, căn cứ điểm b, Mục 3, Điều 2 của Nghị định số 89/2008/NĐ-CP: “Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19/8/1945 đã chết mà chưa được hưởng chế độ ưu đãi quy định tại điểm 2, khoản 2, Điều 1 Pháp lệnh (trợ cấp hàng tháng) thì thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp một lần”.
Nghị định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Cụ Nguyễn Chỉ Vinh được công nhận cán bộ hoạt động Tiền khởi nghĩa năm 2001 đã được hưởng chế độ phụ cấp “Tiền khởi nghĩa” thường xuyên từ ngày 1/1/1995 đến ngày chết năm 2003 trước ngày Nghị định số 89/2008/NĐ-CP có hiệu lực thực hiện nên cụ không thuộc diện điều chỉnh tại Nghị định số 89/2008/NĐ-CP của Chính phủ.
Thư Viện Pháp Luật