Chế độ, chính sách đối với trẻ em bị tật nguyền
Theo Luật Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe trẻ em thì đối với trẻ em khuyết tật, tàn tật, trẻ em là nạn nhân của chất độc hóa học được gia đình, Nhà nước và xã hội giúp đỡ, chăm sóc, được tạo điều kiện để sớm phát hiện bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng; được nhận vào các lớp học hòa nhập, lớp học dành cho trẻ em khuyết tật, tàn tật; được giúp đỡ học văn hóa, học nghề và tham gia hoạt động xã hội. Theo Pháp lệnh về người tàn tật; người tàn tật được Nhà nước và xã hội trợ giúp, chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, tạo việc làm phù hợp và được hưởng các quyền khác theo quy định của pháp luật. Trẻ em tàn tật, người tàn tật do hậu quả của chất độc da cam trong chiến tranh được Nhà nước và xã hội đặc biệt quan tâm, bảo vệ, chăm sóc. Cha mẹ, các thành viên khác trong gia đình, người giám hộ của người tàn tật có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật phục hồi chức năng, học tập, lao động và tham gia sinh hoạt xã hội. Hàng năm, Nhà nước dành một khoản ngân sách và vận động xã hội để trợ giúp người tàn tật trong việc khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, tạo việc làm, tự ổn định đời sống. Người tàn tật được phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng; được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Người tàn tật nặng không có nguồn thu nhập và không nơi nương tựa, người tàn tật nghèo được Nhà nước đảm bảo khám chữa bệnh miễn phí. Người mắc bệnh tâm thần nặng gây nguy hiểm cho xã hội phải được điều trị bắt buộc tại các cơ sở chữa bệnh tâm thần. Học sinh là người tàn tật trong các cơ sở giáo dục, nuôi dưỡng nội trú được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của Chính phủ. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân mở trường, lớp dành riêng cho người tàn tật. Như vậy Nhà nước ta có nhiều chính sách đối với người khuyết tật, đặc biệt là trẻ em tàn tật. Hiện nay chỉ đối với người tàn tật, khuyết tật không nơi nương tựa, trong hộ nghèo hoặc bị nhiễm chất độc hóa học thì được hưởng chế độ trợ cấp, chế độ khám chữa bệnh miễn phí, còn các đối tượng khác thì chưa có chế độ. Đối với con của anh chị, nếu đúng cháu bị ảnh hưởng của chất độc hóa học do ông có tham gia kháng chiến thì anh chị cần hỏi các thủ tục, hồ sơ để làm cho cháu, để cháu được hưởng chế độ theo quy định
Thư Viện Pháp Luật