Công chức bị kỷ luật
Theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Nghị định số 35 ngày 17/3/2005 của Chính phủ về việc kỷ luật cán bộ, công chức; Thông tư số 03 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thi hành Nghị định 35 quy định: - Cán bộ, công chức bị kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng chế độ thôi việc theo quy định của Nhà nước nhưng được cơ quan BHXH xác nhận thời gian làm việc đã đóng BHXH để thực hiện chế độ BHXH theo quy định của pháp luật; được cơ quan, đơn vị làm văn bản đề nghị cơ quan BHXH xác nhận thời gian làm việc đã đóng BHXH. - Hồ sơ cán bộ, công chức bị kỷ luật buộc thôi việc do cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức lưu giữ. Trường hợp cán bộ, công chức sau khi bị kỷ luật buộc thôi việc cần hồ sơ, lý lịch của mình thì được cơ quan có thẩm quyền quản lý cán bộ, công chức cấp bản sao hồ sơ, lý lịch (có xác nhận). - Cán bộ, công chức nếu bị kỷ luật ở hình thức buộc thôi việc thì sau 12 tháng (tính từ ngày ký quyết định kỷ luật) có thể được đăng ký dự tuyển lại vào làm cán bộ, công chức trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước nhưng không được đăng ký dự tuyển vào các vị trí công tác có liên quan đến nhiệm vụ, công vụ đã đảm nhiệm trước đây. Từ quy định trên, nếu sau 12 tháng từ khi bị kỷ luật, anh không được đơn vị cũ tuyển dụng lại thì anh đề nghị UBND xã, UBND huyện là cơ quan quản lý làm các thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH cho anh và sao hồ sơ, lý lịch để anh có thể dự tuyển vào các cơ quan tổ chức khác. Sau này thời gian đóng BHXH của anh sẽ được cộng dồn với việc đóng BHXH ở đơn vị mới để tính BHXH cho anh khi nghỉ hưu. Từ khi anh bị buộc thôi việc thì cơ quan sẽ không đóng BHXH cho anh.
Thư Viện Pháp Luật