Làm gì khi người vay tiền bỏ trốn?
Nếu người vay tiền bỏ trốn không hoàn trả số tiền đã vay, bạn có quyền tố cáo hành vi trái pháp luật của người vay để cơ quan điều tra xác minh, xử lý.
Theo Điều 101 Bộ luật Tố tụng hình sự về tố giác và tin báo về tội phạm, “công dân có thể tố giác tội phạm với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án…”. Nếu có dấu hiệu tội phạm, cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố bị can và xử lý hình sự đối với người vay.
Theo Điều 140 Bộ luật Hình sự, người chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ một triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới một triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm.
Hành vi bị kết tội theo điều này là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó... Nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ trên 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng thì bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm...
Đối chiếu với trường hợp của bạn, việc cho vay có lập thành hợp đồng công chứng, tuy nhiên người vay đã có hành vi bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ trả nợ và chiếm đoạt số tiền đã vay. Hành vi này của người vay đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo Điều 140.
Số tiền chiếm đoạt tương ứng với nghĩa vụ 6 tháng trả nợ còn lại là 60 triệu đồng nên theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 140 Bộ luật Hình sự, người vay tiền có thể bị phạt tù từ hai năm đến 7 năm. Ngoài hình phạt tù, người vay tiền còn phải bồi thường toàn bộ khoản tiền gốc và lãi (nếu có) đã chiếm đoạt của bạn.
Thư Viện Pháp Luật