Xin cho biết trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước?
Căn cứ Điều 34, Thông tư 14/2013/TT-BXD, ngày 19/9/2013 quy định trình tự, thủ tục bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước như sau:
1. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của từng địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quy định người mua nhà ở nộp hồ sơ mua nhà ở tại đơn vị quản lý vận hành nhà ở hoặc tại cơ quan quản lý nhà ở của địa phương.
2. Người có nhu cầu mua nhà ở nộp 02 bộ hồ sơ đề nghị mua nhà ở tại cơ quan được giao tiếp nhận hồ sơ: 01 bộ lưu tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ và 01 bộ chuyển cho cơ quan quản lý nhà ở (nếu đơn vị quản lý vận hành là cơ quan tiếp nhận hồ sơ) hoặc 01 bộ chuyển cho đơn vị quản lý vận hành (nếu cơ quan quản lý nhà ở là cơ quan tiếp nhận hồ sơ). Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra, tiếp nhận và ghi giấy biên nhận hồ sơ; trường hợp hồ sơ còn thiếu giấy tờ thì phải hướng dẫn ngay để người mua nhà bổ sung hồ sơ; nếu người nộp hồ sơ không đủ điều kiện được mua nhà ở thì phải có văn bản trả lời rõ lý do để người nộp hồ sơ biết.
Ngoài giấy tờ quy định tại Điều 33 của Thông tư này, cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được yêu cầu người nộp đơn nộp thêm bất kỳ loại giấy tờ nào khác.
3. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm tổ chức kiểm tra, thiết lập hồ sơ mua bán nhà ở; đo vẽ lại diện tích nhà, đất nếu có chênh lệch diện tích so với hợp đồng thuê nhà ở hoặc có diện tích ngoài hợp đồng; thực hiện phân bổ diện tích sử dụng chung cho người mua (nếu có); xác định chất lượng còn lại của nhà ở, tính toán giá bán nhà ở và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Trường hợp đơn vị quản lý vận hành nhà ở tiếp nhận hồ sơ thì sau khi hoàn tất các công việc quy định tại Khoản này, đơn vị quản lý vận hành ở phải báo cáo, lập danh sách kèm theo hồ sơ mua nhà ở báo cáo cơ quan quản lý nhà ở xem xét.
4. Trên cơ sở danh sách đối tượng được mua nhà ở và hồ sơ đề nghị mua nhà ở cũ đã được thiết lập theo quy định tại Khoản 3 Điều này, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm kiểm tra đối tượng, điều kiện và hồ sơ, sau đó báo cáo Hội đồng xác định giá bán nhà ở xem xét, phê duyệt giá bán nhà ở và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
5. Sau khi Hội đồng xác định giá nhà ở phê duyệt giá bán nhà ở và giá chuyển quyền sử dụng đất ở, cơ quan quản lý nhà ở lập danh sách đối tượng được mua nhà ở kèm theo văn bản duyệt giá bán nhà ở của Hội đồng xác định giá bán nhà ở để trình cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở xem xét, quyết định. Trường hợp không đủ điều kiện mua nhà ở thì cơ quan quản lý nhà ở có văn bản trả lời người nộp hồ sơ hoặc thông báo để đơn vị quản lý vận hành trả lại hồ sơ và thông báo cho người nộp hồ sơ biết.
6. Căn cứ vào đề nghị của cơ quan quản lý nhà ở, cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, ban hành Quyết định bán nhà ở cũ (trong đó nêu rõ đối tượng được mua nhà ở, địa chỉ nhà ở được bán, giá bán nhà ở và giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất) và gửi Quyết định này cho cơ quan quản lý nhà ở để thực hiện bán nhà ở. Quyết định bán nhà ở phải được đăng tải trên Website của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà ở.
Trường hợp nhà ở cũ do Bộ Quốc phòng quản lý thì sau khi có văn bản phê duyệt giá bán nhà ở và giá chuyển quyền sử dụng đất ở của Hội đồng xác định giá bán nhà ở, cơ quan quản lý nhà ở của Bộ Quốc phòng xem xét, ban hành Quyết định bán nhà ở.
7. Sau khi có Quyết định bán nhà ở, cơ quan quản lý nhà ở thực hiện ký kết hợp đồng mua bán nhà ở theo mẫu quy định và hướng dẫn người mua nhà nộp các nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước tại Kho bạc nhà nước địa phương nơi có nhà ở.
8. Sau khi người mua nhà ở đã nộp đủ nghĩa vụ tài chính cho Nhà nước (có biên lai thu tiền) theo quy định, cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ mua bán nhà ở và chuyển hồ sơ này cho cơ quan có thẩm quyền để thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho người mua theo quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận. Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận theo thời hạn quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận. Đối với nhà ở của Bộ Quốc phòng thì sau khi hoàn thành thủ tục mua bán nhà ở, cơ quan bán nhà ở của Bộ Quốc phòng hoàn thiện hồ sơ và chuyển sang cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận nơi có nhà ở bán để cơ quan này thực hiện cấp Giấy chứng nhận cho người mua theo quy định.
Trường hợp sau khi tiếp nhận hồ sơ mua nhà ở mà có thành viên thuê nhà ở chết thì cơ quan quản lý nhà ở không ghi tên người đó vào hợp đồng mua bán nhà ở và không xét miễn, giảm tiền mua nhà đối với người này; nếu có thành viên mua nhà ở chết sau khi đã ký kết hợp đồng mua bán nhà ở thì bên mua nhà ở phải thông báo cho cơ quan quản lý nhà ở biết (kèm theo giấy chứng tử và giấy tờ chứng minh thừa kế theo quy định) để người thừa kế hợp pháp được tiếp tục thực hiện hợp đồng mua bán nhà ở với cơ quan quản lý nhà ở và người thừa kế hợp pháp được ghi tên trong Giấy chứng nhận.
9. Thời gian giải quyết việc bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước là không quá 45 ngày, kể từ ngày đơn vị quản lý vận hành nhà ở nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Thời gian cấp Giấy chứng nhận được thực hiện theo quy định của pháp luật về cấp Giấy chứng nhận và không tính vào thời gian bán nhà ở, thời gian nộp nghĩa vụ tài chính của người mua.
Cơ quan cấp Giấy chứng nhận có trách nhiệm thực hiện cấp và trực tiếp trao Giấy chứng nhận cho người mua nhà, đồng thời sao gửi 01 bản Giấy chứng nhận cho cơ quan quản lý nhà ở để theo dõi, quản lý.
10. Trường hợp quá thời gian giải quyết bán nhà ở theo quy định mà đơn vị tiếp nhận hồ sơ vẫn chưa hoàn tất hồ sơ mua bán nhà ở thì người nộp đơn có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà ở trực tiếp giải quyết bán nhà ở này; cơ quan quản lý nhà ở có trách nhiệm giải quyết và trả lời để người có đơn biết.
11. Căn cứ quy định tại Nghị định số 34/2013/NĐ-CP và Thông tư này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy trình cụ thể về bán nhà ở cũ thuộc sở hữu nhà nước để áp dụng trên địa bàn, bảo đảm đơn giản về thủ tục, nhanh chóng về thời gian và quy định rõ thời hạn, trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị có liên quan trong từng khâu giải quyết hồ sơ bán nhà ở cũ.
Thư Viện Pháp Luật