Có bị mất nhà khi hợp đồng chỉ ra phường xác nhận?

9 năm trước tôi mua căn nhà gần 22 m2 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thời điểm đó, tôi chưa có hộ khẩu ở Hà Nội nên chưa sang tên sổ đỏ, hai bên ra phường xác nhận việc mua bán. Giờ, tôi mới làm thủ tục đăng ký sang tên nhưng bên bán cho tôi không chịu hợp tác. Tôi đã ở căn nhà đấy từ năm 2006 và không xảy ra tranh chấp kiện tụng gì về nhà cửa. Tôi xin hỏi tôi phải làm thế nào để giải quyết việc này? Xin cảm ơn các bạn.

Theo quy định tại Điều 412 Bộ luật Dân sự, sau khi giao kết hợp đồng, các bên phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

1. Thực hiện đúng hợp đồng, đúng đối tượng, chất lượng, số lượng, chủng loại, thời hạn, phương thức và các thoả thuận khác;

2. Thực hiện một cách trung thực, theo tinh thần hợp tác và có lợi nhất cho các bên, bảo đảm tin cậy lẫn nhau;

3. Không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

Như vậy, với các quy định nêu trên, trong trường hợp của bạn nếu các bên đã thỏa thuận về việc khi bên mua đủ điều kiện nhận sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất (sổ đỏ) mà bên bán không hợp tác tiến hành các thủ tục theo quy định thì được xác định là vi phạm hợp đồng.

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, bạn có thể khởi kiện bên bán, yêu cầu tòa án buộc bên bán phải thực hiện các nghĩa vụ đã cam kết. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một số nội dung sau.

Về hình thức hợp đồng mua bán nhà ở (giữa cá nhân với cá nhân), pháp luật quy định bắt buộc phải được lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực bởi cơ quan có thẩm quyền. Do vậy, trong trường hợp của bạn, việc mua bán chỉ có xác nhận của UBND phường là chưa đúng quy định về hình thức giao dịch. Nếu có tranh chấp, giao dịch này có thể bị xác định là vô hiệu.

Theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Dân sự, trong trường hợp pháp luật quy định hình thức giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch mà các bên không tuân theo thì theo yêu cầu của một hoặc các bên, toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn; quá thời hạn đó mà không thực hiện thì giao dịch vô hiệu.

Về hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu: Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm xác lập.

Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Nếu không hoàn trả được bằng hiện vật thì phải hoàn trả bằng tiền, trừ trường hợp tài sản giao dịch, hoa lợi, lợi tức thu được bị tịch thu theo quy định của pháp luật. Bên có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường.

Như vậy, với các quy định trên, bạn cần cố gắng thương lượng với bên bán để thực hiện được các thủ tục sang tên theo quy định. Do việc khởi kiện và tham gia tố tụng tốn nhiều thời gian, chi phí nên chỉ tiến hành khi đã thương lượng nhiều lần nhưng không đạt kết quả.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào