Giải quyết chi trả trợ cấp cho sinh viên cử tuyển
Sinh viên Triệu Văn Minh nhập học năm 2005 và đã được Nhà trường chi trả mọi chế độ theo quy định đến ngày 31/12/2007.
Thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và Thông tư liên tịch số 13/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC-BNV-UBDT ngày 7/4/2008 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 134/2006/NĐ-CP. Từ tháng 1/2008, Nhà trường đã ký hợp đồng với các Sở Giáo dục và Đào tạo cấp trả kinh phí đào tạo và các chế độ khác cho số sinh viên cử tuyển thuộc từng địa phương.
Riêng trường hợp sinh viên Triệu Văn Minh không thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo cử đi mà thuộc diện cử tuyển của Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc - Thái Nguyên cử đi nên trường không thể chi trả các chế độ cho sinh viên Triệu Văn Minh.
Tháng 1/2011, thực hiện Công văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc báo cáo số lượng học sinh, sinh viên cử tuyển và lập dự toán kinh phí, Nhà trường đã có báo cáo gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo gồm 2 sinh viên, trong đó có sinh viên Triệu Văn Minh.
Cuối tháng 12/2011, Nhà trường đã nhận được quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc điều chỉnh dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011 và được cấp kinh phí để giải quyết chế độ cho học sinh, sinh viên cử tuyển được Bộ giao.
Do sinh viên Triệu Văn Minh đã ra trường từ tháng 6/2010 và số tiền trên được cấp vào thời điểm cuối năm tài chính nên Trường không thể rút về để thanh toán được ngay. Để đảm bảo về nguyên tắc tài chính, ngày 7/2/2012 Trường đã làm thủ tục xin chuyển số dư dự toán năm 2011 sang được chi vào năm 2012, trong đó có số tiền nêu trên.
Ngay sau khi Nhà trường nhận được quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc phê duyệt chuyển số dư dự toán, số dư tạm ứng chi ngân sách năm 2011 sang năm 2012, Nhà trường đã tiến hành các thủ tục và liên hệ với 2 sinh viên để thực hiện chi trả trợ cấp. Đến nay, sinh viên Triệu Văn Minh đã trực tiếp đến Trường nhận tiền chi trả chế độ.
Thư Viện Pháp Luật