Phụ cấp thu hút cán bộ
Ngày 24/12/2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định 116 quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở những vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (hay còn gọi là phụ cấp thu hút). Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn bao gồm huyện đảo Trường Sa, Hoàng Sa, DK1 và các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp,… (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang quy định như trên công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm: + Cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động, kể cả người tập sự, thử việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội từ Trung ương đến xã, phường, thị trấn; + Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan chuyên môn kỹ thuật và người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, kể cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong quân đội nhân dân và công an nhân dân; Đối tượng nêu trên được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% tiền lương tháng hiện hưởng, bao gồm: mức lương chức vụ, ngạch, bậc hoặc cấp hàm và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, nếu có. Thời gian hưởng phụ cấp thu hút là thời gian thực tế làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và không quá 5 năm. Thời điểm tính hưởng phụ cấp thu hút được quy định như sau: Nếu đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày Nghị định 116 có hiệu lực thi hành; Nếu đến công tác sau ngày Nghị định 116 có hiệu lực thi hành thì được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày có quyết định của cơ quan có thẩm quyền
Thư Viện Pháp Luật