Bộ Tư pháp giải đáp về việc chứng thực bản sao
Theo quy định tại Nghị định số 04/2012/NĐ-CP ngày 20/1/2012 của Chính phủ thì giấy tờ, văn bản song ngữ thuộc thẩm quyền chứng thực của Phòng Tư pháp cấp huyện.
Hiện nay, theo mẫu phôi bằng của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng và trung cấp đều được cấp dưới dạng song ngữ. Vì vậy, người dân có nhu cầu chứng thực phải đến phòng Tư pháp cấp huyện để chứng thực bản sao từ bản chính.
Đối với những xã ở xa trung tâm huyện thì cũng khó khăn trong việc đi lại khi có nhu cầu. Nhưng hiện nay Phòng Tư pháp cũng có thẩm quyền chứng thực giấy tờ, văn bản tiếng Việt, nên người dân có nhu cầu có thể chỉ đến Phòng Tư pháp để yêu cầu chứng thực tất cả các loại giấy tờ, văn bản.
Như vậy, quy định trên cũng tạo điều kiện thuận lợi cho người yêu cầu chứng thực nhiều loại giấy tờ, văn bản bằng cả tiếng Việt, song ngữ và tiếng nước ngoài.
Về biểu mẫu hộ tịch
Ông Hoàng Việt Cường phản ánh rằng theo Thông tư số 08.a/2010/TT-BTP ngày 25/3/2010 của Bộ Tư pháp về việc ban hành và hướng dẫn ghi chép, lưu trữ, sử dụng sổ và biểu mẫu hộ tịch thì trong tờ khai và sổ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, phần ghi tình trạng hôn nhân để khoảng trống ít, không đủ để ghi hết nội dung.
Theo ý kiến của Bộ Tư pháp, Mục "Tình trạng hôn nhân (3)" trong biểu mẫu Tờ khai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Sổ cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân được ban hành kèm theo Thông tư 08.a/2010/TT-BTP pháp luật không quy định bắt buộc độ dài khoảng cách để ghi nội dung này là bao nhiêu.
Vì vậy, với phần ghi "Tình trạng hôn nhân(3)", nếu ghi nhiều nội dung thì có thể điều chỉnh khoảng cách tùy theo độ dài nội dung ghi.
Thư Viện Pháp Luật