Đền bù chi phí đào tạo
Theo quy định tại Nghị định 18 của Thủ tướng Chính phủ thì việc đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng áp dụng đối với các trường hợp công chức được cử đi bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch; bồi dưỡng ở nước ngoài và đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên, khi công chức tự ý không tham gia khóa học khi đã làm đầy đủ các thủ tục nhập học và đã được cơ quan cấp kinh phí đào tạo, bồi dưỡng; hoặc công chức tự ý bỏ học, bỏ việc hoặc thôi việc trong thời gian được cử đi đào tạo, bồi dưỡng; Công chức tham gia khóa học đầy đủ thời gian theo quy định (có xác nhận của cơ sở đào tạo, bồi dưỡng) nhưng không được cấp văn bằng, chứng chỉ, chứng nhận đã hoàn thành khóa học do nguyên nhân chủ quan; Công chức đã hoàn thành khóa học và được cấp bằng tốt nghiệp (đối với các trường hợp công chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên) nhưng bỏ việc hoặc thôi việc khi chưa phục vụ đủ thời gian cam kết quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định số 18/2010/NĐ-CP. Việc tính giảm chi phí đền bù chỉ áp dụng cho các trường hợp công chức được cử đi đào tạo từ trình độ trung cấp trở lên: Mỗi năm công tác của công chức (không tính thời gian tập sự và thời gian công tác sau khi được đào tạo, bồi dưỡng) được giảm 1% chi phí đền bù; Công chức đạt danh hiệu từ Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên trong vòng 5 năm trở lại thì được tính giảm 1% chi phí đền bù cho mỗi danh hiệu. Việc xét xét bồi thường và xét miễn giảm việc đền bù phải do Hội đồng xét đền bù họp quyết định. Thủ trưởng cơ quan quản lý công chức thành lập Hội đồng xét đền bù. Hội đồng bao gồm: Đại diện lãnh đạo Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ của cơ quan quản lý công chức làm Chủ tịch Hội đồng; Đại diện tổ chức công đoàn của cơ quan sử dụng công chức; Công chức phụ trách đào tạo, bồi dưỡng của Vụ (Ban) Tổ chức cán bộ, Sở Nội vụ của cơ quan quản lý công chức là Thư ký Hội đồng; Đại diện bộ phận tài chính - kế toán của cơ quan chi trả các khoản chi phí cho khóa học; Đại diện lãnh đạo cơ quan sử dụng công chức. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng: Hội đồng làm việc theo nguyên tắc công khai, dân chủ và biểu quyết theo đa số. Hội đồng chấm dứt hoạt động và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
Thư Viện Pháp Luật