Cầm cố giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
Để lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình mình, bạn phải kiểm tra tính pháp lý của giao dịch do anh trai bạn thực hiện. Giao dịch đó là giao dịch gì? Có thực hiện đúng theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật không?...
Việc sử dụng quyền sử dụng đất làm tài sản đảm bảo cho nghĩa vụ dân sự là thủ tục không đơn giản, phải tuân theo trình tự, thủ tục quy định của pháp luật. Việc bạn nói rằng anh trai bạn mang giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình đi cầm cố, sau đó người nhận cầm cố lại mang đi cầm cố cho người khác là thiếu tính pháp lý và có thể không phù hợp với quy định của pháp luật. Bởi lẽ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy tờ chứng minh quyền sở hữu/sử dụng tài, không phải là giấy tờ có giá. Do đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không phải là tài sản nên không thể mang đi cầm cố tài sản như bạn nêu được. Việc người khác cầm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình bạn không đủ cơ sở pháp lý để người đó có quyền đối với thửa đất của gia đình bạn. Gia đình bạn hoàn toàn có thể yêu cầu người đang giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả lại cho gia đình mình.
Trong trường hợp anh trai bạn dùng tài sản là quyền sử dụng đất để đảm bảo cho việc thực hiện nghĩa vụ dân sự của mình theo quy định của pháp luật (thế chấp, bảo lãnh tài sản...) thì bạn cần xác định:
(i) Việc giao kết hợp đồng/giao dịch để thực hiện các biện pháp bảo đảm tài sản của anh trai bạn có đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hay không?
(ii) Việc dùng quyền sử dụng đất làm tài sản bảo đảm có được sự đồng ý của tất các chủ sử dụng đất hay không? Theo đó, bạn cần xác định: Thửa đất thuộc quyền sử dụng của những ai? Là tài sản riêng của anh trai bạn hay là tài sản chung của nhiều người?...
Nếu anh trai bạn thực hiện không đúng trình tự, thủ tục, không được sự đồng ý của tất cả các chủ sử dụng đất thì gia đình bạn có thể khởi kiện yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu và yêu cầu người cầm giữ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trả lại cho gia đình mình.
Nếu anh trai bạn thực hiện giao dịch bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, đúng các quy định của pháp luật về thực hiện giao dịch bảo đảm thì có thể lấy lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi chấm dứt thế chấp/cầm cố tài sản.
Bộ luật dân sự quy định về các trường hợp chấm dứt thế chấp/cầm cố tài sản như sau:
- Chấm dứt thế chấp tài sản (Ðiều 357 Bộ luật dân sự): Việc thế chấp tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
+ Nghĩa vụ được bảo đảm bằng thế chấp chấm dứt;
+ Việc thế chấp tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
+ Tài sản thế chấp đã được xử lý;
+ Theo thỏa thuận của các bên.
- Chấm dứt cầm cố tài sản (Ðiều 339 Bộ luật dân sự): Việc cầm cố tài sản chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
+ Nghĩa vụ được bảo đảm bằng cầm cố chấm dứt;
+ Việc cầm cố tài sản được hủy bỏ hoặc được thay thế bằng biện pháp bảo đảm khác;
+ Tài sản cầm cố đã được xử lý;
+ Theo thỏa thuận của các bên.
Trong trường hợp có tranh chấp phát sinh, có căn cứ cho rằng quyền và nghĩa vụ của gia đình bạn liên quan đến quyền sử dụng đất nêu trên bị ảnh hưởng thì gia đình bạn có thể khởi kiện đến tòa án có thẩm quyền để được giải quyết.
Khi khởi kiện, bạn phải làm đơn khởi kiện. Đơn khởi kiện phải có các nội dung chính theo quy định tại Điều 164 Bộ luật tố tụng dân sự:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người khởi kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền và lợi ích được bảo vệ, nếu có;
- Tên, địa chỉ của người bị kiện;
- Tên, địa chỉ của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, nếu có;
- Những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng, nếu có.
Kèm theo đơn khởi kiện phải có các tài liệu, chứng cứ chứng minh cho yêu cầu của người khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp.
Thư Viện Pháp Luật