Bằng cấp chuyên môn nghiệp vụ
Gần đây chuyên mục nhận được nhiều thư của bạn đọc phản ánh hỏi về bằng cấp để các cơ quan căn cứ để công nhận là bằng chuyên môn nghiệp vụ để xếp lương cho cán bộ, công chức cấp xã. Bằng chuyên môn, nghiệp vụ ở đây được hiểu như sau: cán bộ làm về tài chính thì phải có bằng về lĩnh vực tài chính kế toán; làm về lĩnh vực tư pháp, văn phòng thì phải có văn bằng luật, hành chính, văn thư lưu trữ... Ngoài ra theo yêu cầu của ngạch công chức và các chức danh quản lý cũng như yêu cầu của từng ngành nghề thì cán bộ, công chức phải có các văn bằng như về chính trị (sơ cấp, trung cấp cao cấp), văn bằng, chứng chỉ về quản lý Nhà nước, văn bằng về ngoại ngữ, tin học... Do đó, việc trả lời của Sở Nội vụ tỉnh Bình Định là đúng quy định. Vì vậy, luật gia đã trả lời bạn đọc là một Bí thư Đảng ủy xã (ngày 7/8) và ông chỉ có bằng trung cấp chính trị và thời gian công tác đã lâu, tuổi cũng đã cao. Trong trường hợp này khi xếp lương cho cán bộ xã thì được vận dụng văn bằng trung cấp chính trị (ông đã học tập trung) để xếp lương cho ông là người làm công tác Đảng. Cũng theo Nghị định 92 quy định cán bộ cấp xã có trình độ sơ cấp hoặc chưa đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thực hiện xếp lương chức vụ theo bảng lương sau đây: Bí thư Đảng ủy có hệ số lương bậc 1 là 2,35; bậc 2 là 2,85; đã tốt nghiệp trình độ đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ từ trung cấp trở lên thực hiện xếp lương như công chức hành chính quy định tại bảng lương số 2 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP. Do đó việc xếp lương cho ông Nậm ở bậc 1 có hệ số 1,86 là chưa đúng với Điều 2 Thông tư liên tịch số 03/2010 ngày 27/5/2010 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Bộ Tài chính - Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2009/NĐ-CP ngày 22/10/2009 của Chính phủ về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.
Thư Viện Pháp Luật