Trường hợp lập di chúc trong hoàn cảnh đặc biệt không có công chứng hoặc chứng thực của UBND cấp xã, phường, thị trấn
Thực tế có nhiều người sinh sống và làm việc trong một số hoàn cảnh đặc biệt, họ không có điều kiện đến cơ quan có thẩm quyền công chứng, chứng thực. Trong điều kiện như vậy, tại Điều 660 Bộ luật Dân sự quy định: “ Di chúc bằng văn bản có giá trị như di chúc được công chứng hoặc chứng thực bao gồm:
1. Di chúc của quân nhân tại ngũ có xác nhận của thủ trưởng đơn vị từ cấp đại đội trở lên, nếu quân nhân không thể yêu cầu công chứng hoặc chứng thực;
2. Di chúc của người đang đi trên tàu biển, máy bay có xác nhận của người chỉ huy phương tiện đó;
3. Di chúc của người đang điều trị tại bệnh viện, cơ sở chữa bệnh, điều dưỡng khác có xác nhận của người phụ trách bệnh viện, cơ sở đó;
4. Di chúc của người đang làm công việc khảo sát, thăm dò, nghiên cứu ở vùng rừng núi, hải đảo có xác nhận của người phụ trách đơn vị;
5. Di chúc của công dân Việt Nam đang ở nước ngoài có chứng nhận của cơ quan lãnh sự, đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước đó;
6. Di chúc của người đang bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh có xác nhận của người phụ trách cơ sở đó”.
Như vậy, nếu di chúc rơi vào một trong sáu trường hợp nêu trên thì được coi là có giá trị pháp lý như di chức có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực.
* Quyền của người lập di chúc:
Tại Điều 631 Bộ luật dân sự quy định: “ Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”. Người có di sản tự định đoạt tài sản của mình bằng cách:
- Để lại di sản cho bất cứ cá nhân hoặc tổ chức nào, người được nhận di sản có thể là cá nhân trong hay ngoài diện thừa kế theo quy định của pháp luật, hoặc cũng có thể là nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội...
- Quyền định đoạt của người lập di chúc còn được thể hiện thông qua việc họ có thể truất quyền hưởng thừa kế của người thừa kế theo pháp luật (như: Cha, mẹ, con, anh, chị em…) mà không nhất thiết phải nêu lí do, tức là trong nội dung di chúc chỉ định một hay nhiều người thừa kế theo pháp luật được hưởng di sản thừa kế của mình.
- Phân định tài sản cho người thừa kế: Trong trường hợp có nhiều người cùng thừa kế theo pháp luật. Người lập di chúc có quyền phân định cho mỗi người thừa kế đó sẽ được hưởng bao nhiêu hoặc những loại tài sản nào. Phần di sản cho mỗi người không nhất thiết phải bằng nhau mà không cần phải nêu lý do.
- Giao nghĩa vụ cho người thừa kế: Người lập di chúc có thể giao cho một hoặc nhiều người thừa kế theo pháp luật thực hiện thay người lập di chúc một số nghĩa vụ, kể cả nghĩa vụ về tài sản;
- Người lập di chúc có quyền sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ di chúc.
- Ngoài ra, người lập di chúc có quyền lập di chúc chung để định đoạt tài sản chung.
Thư Viện Pháp Luật