Về chế độ phụ cấp đối với cán bộ ngành Tư pháp
Trong giai đoạn hiện nay, trước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các các cơ quan tư pháp từ Trung ương đến cơ sở ngày càng được mở rộng, tăng cường.
Với trách nhiệm của cơ quan quản lý chuyên ngành, Bộ Tư pháp đã rất quan tâm đến việc phối hợp xây dựng, tham mưu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản về chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức trong ngành để xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ được giao, như:
- Quyết định số 233/2005/QĐ-TTg ngày 26/9/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Chấp hành viên và Công chứng viên;
- Thông tư liên tịch số 04/2009/TTLT-BNV-BTC hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên đối với cán bộ, công chức đã được xếp lương theo ngạch hoặc chức danh chuyên ngành tòa án, kiểm sát, kiểm toán, thanh tra, thi hành án dân sự và kiểm lâm;
- Nghị định số 55/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế…
Theo các văn bản này, việc xây dựng và áp dụng các chế độ phụ cấp cho công chức, viên chức trong các cơ quan tư pháp và thi hành án dân sự được áp dụng thống nhất; bảo đảm tuân thủ nguyên tắc tiền lương, phụ cấp trên cơ sở vị trí việc làm theo tinh thần đổi mới trong quản lý cán bộ, công chức được quy định trong Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức.
Mặt khác, để khắc phục những bất cập trong chế độ chính sách đối với cán bộ công chức, Nhà nước ta đang hoàn thiện Đề án tổng thể về chế độ chính sách tiền lương đối với cán bộ công chức trong bộ máy nhà nước nói chung.
Bộ Tư pháp cũng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ và các cơ quan có liên quan để tham mưu, đề xuất việc hoàn thiện thể chế, chính sách về tiền lương và các chế độ đãi ngộ khác đối với công chức, viên chức nói chung và công chức, viên chức ngành Tư pháp nói riêng.
Thư Viện Pháp Luật