BHYT với người thân làm công tác cơ yếu
Theo quy định của Luật BHYT và Thông tư liên tịch số 03/2012 ngày 16/1/2012 của Bộ Tài chính -Bộ Quốc phòng - Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện BHYT đối với người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu và thân nhân người đang làm công tác cơ yếu thì việc cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT được quy định như sau: Cấp lại thẻ BHYT trong trường hợp bị mất; Cấp đổi thẻ BHYT trong các trường hợp: thẻ bị rách, nát hoặc hỏng; hoặc thay đổi nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu; hoặc thông tin ghi trên thẻ không đúng. Hồ sơ, trình tự cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT: Người được cấp thẻ BHYT phải làm đơn đề nghị cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT có xác nhận của thủ trưởng quản lý người lao động và người đang làm công tác cơ yếu; Trình tự cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT được thực hiện như cấp thẻ lần đầu; Ban Cơ yếu Chính phủ có văn bản đề nghị kèm theo danh sách và thẻ BHYT cũ (trừ trường hợp mất) gửi BHXH Bộ Quốc phòng; cơ quan quản lý người đang làm công tác cơ yếu có văn bản đề nghị kèm theo danh sách và thẻ BHYT cũ (trừ trường hợp mất) gửi BHXH địa phương; Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại Khoản 2 Điều này, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH địa phương cấp lại thẻ BHYT; trong thời gian chờ cấp lại, cấp đổi thẻ, người có thẻ vẫn được hưởng quyền lợi của người tham gia BHYT; Cấp đổi thẻ BHYT do thay đổi nơi khám bệnh, chữa bệnh ban đầu được thực hiện vào 15 ngày cuối của tháng cuối mỗi quý. Trường hợp cấp lại do mất thẻ BHYT không được thay đổi các thông tin so với thẻ cấp lần đầu. Người được cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT phải nộp phí theo quy định tại Thông tư số 19/2010/TT–BTC ngày 3/2/2010 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cấp lại và đổi thẻ BHYT. Trường hợp người có thẻ BHYT tự bỏ lại thẻ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì việc cấp lại thẻ, thu phí cấp lại thẻ do BHXH Việt Nam hướng dẫn thực hiện. Luật cũng quy định đối với người đang làm công tác cơ yếu phải kê khai chính xác về tình hình thân nhân đủ điều kiện được hưởng chế độ BHYT theo đúng theo giấy CMTND hoặc giấy tờ tùy thân có ảnh của thân nhân; lựa chọn, đăng ký nơi khám bệnh, chữa bệnh BHYT ban đầu theo quy định tại Điều 11 Thông tư liên tịch này và chịu trách nhiệm về tính trung thực của bản khai; Trường hợp là thân nhân của hai hay của nhiều người đang làm công tác cơ yếu thì thực hiện kê khai như sau: Thân nhân cùng hộ khẩu với người nào, người đó có trách nhiệm kê khai; nếu không cùng hộ khẩu thì người có trách nhiệm kê khai theo thứ tự ưu tiên: con trai, con gái, con dâu, con rể, con nuôi hợp pháp (nếu cùng hàng trong thứ tự thì người con lớn tuổi nhất kê khai); Nếu cả bố và mẹ đều là người đang làm công tác cơ yếu thì người mẹ có trách nhiệm kê khai cho các con; Trường hợp không thực hiện theo thứ tự như quy định nêu trên thì người nào có điều kiện thuận lợi được kê khai, nhưng phải báo cáo rõ lý do và chịu trách nhiệm về bản kê khai đó, được thủ trưởng đơn vị quản lý xác nhận. Khi nhận được thẻ BHYT phải kiểm tra, đối chiếu các nội dung ghi trên thẻ; nếu đúng thì gửi thẻ về cho thân nhân, nếu chưa đúng thì nộp lại thẻ để chuyển về BHXH Bộ Quốc phòng hoặc BHXH địa phương.
Thư Viện Pháp Luật