Chấm dứt cho vay trường hợp cung cấp thông tin sai sự thật
Về việc xử lý thu hồi nợ trước hạn
Khoản 1, Điều 95 Luật các TCTD năm 2010 quy định: "TCTD có quyền chấm dứt việc cấp tín dụng, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm các quy định trong hợp đồng cấp tín dụng".
Khoản 2, Điều 20 Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn quy định UBND tỉnh, thành phố "Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND cấp dưới trong việc hỗ trợ các tổ chức tín dụng thẩm định, cho vay, thu hồi nợ vay theo quy định của pháp luật".
Khoản 5, Điều 3 Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/06/2010 hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP quy định về cơ chế bảo đảm tiền vay như sau: “TCTD được cho vay có bảo đảm bằng tín chấp của Tổ chức chính trị-xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh, làm dịch vụ theo quy định của Bộ Luật dân sự và phù hợp với các quy định hiện hành về cho vay và bảo đảm tiền vay”.
Khoản 4, Điều 10 Thông tư nêu trên quy định trách nhiệm của các TCTD: "Chủ động phối hợp với chính quyền, tổ chức chính trị-xã hội tại địa phương trong việc thông tin, tuyên truyền về chính sách cho vay của ngân hàng, thực hiện cho vay, thu hồi nợ vay và giám sát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, đảm bảo an toàn hiệu quả".
Điểm d, khoản 1, Điều 25 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 về ban hành quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng quy định: "TCTD có quyền chấm dứt việc cho vay, thu hồi nợ trước hạn khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng".
Căn cứ các quy định được dẫn chiếu nêu trên, khi phát hiện khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng thì TCTD có quyền chấm dứt việc cho vay và thu hồi nợ trước hạn.
Như vậy, TCTD nơi cho vay có thể phối hợp với chính quyền và tổ chức chính trị xã hội đã bảo đảm bằng tín chấp cho khách hàng trong việc thu hồi nợ trước hạn khi khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật, vi phạm hợp đồng tín dụng.
Việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý
Căn cứ khoản 2, Điều 95 Luật các TCTD và khoản 1, 2 Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP, khi đến hạn trả nợ mà khách hàng không trả nợ, nếu các bên không có thoả thuận khác, TCTD có quyền xử lý tài sản bảo đảm vốn vay theo sự thoả thuận trong hợp đồng để thu hồi nợ theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện việc thu giữ tài sản bảo đảm, người xử lý tài sản bảo đảm phải thông báo trước cho người giữ tài sản về việc áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm trong một thời gian hợp lý. Người xử lý tài sản không được áp dụng các biện pháp vi phạm điều cấm của pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, TCTD có thể thu giữ các tài sản bảo đảm đã kê khai trong thỏa thuận về tài sản bảo đảm (giao kết về giao dịch bảo đảm) giữa TCTD và bên bảo đảm để phát mại thu hồi nợ khi đến hạn trả nợ khách hàng không trả nợ và các bên không có thỏa thuận khác. Việc thu giữ tài sản bảo đảm được thực theo quy định tại Điều 63 Nghị định 163/2006/NĐ-CP. Pháp luật hiện hành không quy định cưỡng chế tài sản bảo đảm của TCTD.
Việc cán bộ tín dụng của TCTD đã cưỡng chế tài sản của khách hàng đã kê khai nhưng chưa đăng ký thế chấp, do Ngân hàng Nhà nước không nhận được hồ sơ đầy đủ vụ việc nên chưa có cơ sở để trả lời nội dung này.
Về trách nhiệm của khách hàng
Theo khoản 2, Điều 24 Quyết định 1627/2001/QĐ-NHNN quy định về quyền và nghĩa vụ khách hàng thì khách hàng phải cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin, tài liệu liên quan đến việc vay vốn và chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin, tài liệu đã cung cấp. Khi khách hàng cung cấp thông tin sai sự thật thì khách hàng đó hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Thư Viện Pháp Luật