Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn LĐ, bệnh nghề nghiệp?
Chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được áp dụng đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau thời gian hưởng các chế độ trên sức khỏe vẫn chưa được phục hồi.
Việc giải quyết hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 107 Luật bảo hiểm xã hội 2014 cụ thể như sau:
Bước 1: Người sử dụng lao động lập danh sách người đã hưởng chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Bước 2: Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 3: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.
Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao đông:
Người lao động được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc;
b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động;
c) Trên tuyến đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp:
Người lao động được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:
1. Bị bệnh thuộc danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành khi làm việc trong môi trường hoặc nghề có yếu tố độc hại;
2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại khoản 1 Điều này.
Căn cứ pháp lý: Điều 43, Điều 44, Điều 107 Luật bảo hiểm xã hội 2014.
Thư Viện Pháp Luật