Tại sao Luật cần Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn?

Ông Thành dẫn chứng như sau: Tại điểm m, khoản 1, Điều 46 Bộ luật Hình sự quy định tình tiết giảm nhẹ "người phạm tội là người già". Vậy, tại sao trong Bộ Luật Hình sự không quy định luôn là người từ 60 tuổi trở lên; hoặc tại điểm h, khoản 1, Điều 48 Bộ luật Hình sự quy định tình tiết tăng nặng "phạm tội đối với trẻ em", tại sao không quy định luôn là đối với người từ dưới 16 tuổi trở xuống?

Về vấn đề ông Thành hỏi liên quan đến kỹ thuật lập pháp nói chung và lập pháp hình sự nói riêng.

Trước hết, về nguyên tắc, một quy phạm pháp luật được xây dựng và ban hành phải đảm bảo hai tiêu chí, đó là: thứ nhất, phải chính xác, đơn giản, dễ hiểu và thứ hai, phải đảm bảo tính khái quát cao (có thể áp dụng đối với nhiều trường hợp xảy ra trên thực tế).

Tuy nhiên, trường hợp một số văn bản pháp luật đề cập đến những vấn đề có tính chuyên môn cao hoặc chưa đạt được sự thống nhất cao thì luật sẽ giao cho các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn áp dụng theo qui định của pháp luật.

Trong ví dụ ông nêu liên quan đến Bộ luật Hình sự, về khái niệm “người già” là trường hợp mà còn nhiều các ý kiến khác nhau (Thế nào là người già? Bao nhiêu tuổi là người già?). Để giải quyết vấn đề này, tại tiểu mục 2.4, Mục 2 Nghị quyết số 01 ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao (hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự) thì người già được xác định là người từ 70 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, trong trường hợp một nội dung tuy được quy định trong văn bản pháp luật nhưng đã được qui định trong một văn bản pháp luật khác thì để tránh sự trùng lặp, không nhất thiết phải quy định lại mà chỉ cần dẫn chiếu điều luật áp dụng. Khái niệm “trẻ em” trong ví dụ mà ông Thành nêu là một ví dụ về trường hợp này - Điều 1 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em quy định: “Trẻ em là công dân Việt Nam dưới 16 tuổi”.

Thư Viện Pháp Luật

lượt xem
Thông báo
Bạn không có thông báo nào