Tín dụng HSSV với hộ gặp khó khăn về kinh tế
HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính là đối tượng được vay vốn nêu tại khoản 3, Điều 2 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với HSSV: HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do bị tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của UBND xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
Từ học kỳ I năm học 2010-2011, để phù hợp với tình hình thực tế, Chính phủ đã chỉ đạo một số thay đổi về mức vốn cho vay đối với HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 31/8/2010 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân tại cuộc họp về Chương trình tín dụng đối với HSSV.
Bên cạnh đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội đã có Văn bản số 2287/NHCS-TDSV ngày 16/9/2010 hướng dẫn thực hiện việc điều chỉnh mức vốn cho vay đối với HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính và Văn bản số 2547/NHCS-TDSV ngày 15/10/2010 trả lời vướng mắc về thực hiện cho vay vốn tín dụng HSSV, trong đó quy định mức vốn cho vay đối với HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính như sau:
- Trường hợp cho vay đối với HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính nêu tại khoản 3, Điều 2 Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 được vay tối đa không quá 12 tháng, mức cho vay cụ thể căn cứ vào thời hạn HSSV theo học thực tế tại trường.
- Trường hợp hộ đã nhận tiền vay đủ 12 tháng nhưng hộ gia đình vẫn còn khó khăn hoặc lại khó khăn tiếp được UBND cấp xã xác nhận thì người vay tiếp tục được nhận tiền vay không quá 12 tháng tiếp theo, mức cho vay cụ thể căn cứ vào thời hạn HSSV theo học thực tế tại trường.
- Trường hợp hộ gia đình đang thuộc diện gặp khó khăn về tài chính đã được vay vốn nhưng nay thuộc diện hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo thì được vay tiếp, khi cho vay Ngân hàng Chính sách xã hội nơi cho vay căn cứ vào hồ sơ để giải ngân tiếp của hộ vay để xác định bổ sung thêm số tiền cho vay do thay đổi đối tượng thụ hưởng cho phù hợp.
Theo hồ sơ vay vốn của gia đình ông Vũ Công Khương tại Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Phú, gia đình ông Khương có 1 người con là Vũ Thị Vân Anh, sinh năm 1992 là sinh viên Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh (ngày nhập học: tháng 9/2010; thời gian ra trường: tháng 9/2014). Gia đình ông Khương được UBND xã xác nhận thuộc diện hộ gặp khó khăn về kinh tế do chăn nuôi heo bị dịch bệnh. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Phú đã giải quyết cho vay 24 tháng (2 lần) với số tiền 22.800.000 đồng, cụ thể:
- Cho vay lần 1: Giải ngân ngày 25/3/2011 với số tiền: 12 tháng x 900.000 đồng/tháng = 10.800.000 đồng.
- Cho vay lần 2 (thuộc diện hộ vẫn còn khó khăn được UBND xã xác nhận): Giải ngân ngày 23/11/2011 với số tiền: 12 tháng x 1.000.000 đồng/tháng = 12.000.000 đồng.
Như vậy, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Tân Phú đã giải quyết cho vay đối với trường hợp gia đình ông Vũ Công Khương là đúng quy định.
Tuy nhiên, cán bộ tín dụng Phòng giao dịch huyện Tân Phú có thiếu sót là không cung cấp các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương nói trên và chưa giải thích đầy đủ, cụ thể đối với ý kiến thắc mắc của ông Khương.
Nếu hộ gia đình ông Vũ Công Khương nay thuộc diện hộ nghèo hoặc thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo (phải được UBND xã xác nhận bằng văn bản hoặc danh sách do UBND xã lập) thì được vay tiếp theo quy định.
Thư Viện Pháp Luật