Bảo hiểm xã hội hướng dẫn việc hưởng chế độ ốm đau, thai sản
Trường hợp cả người cha và người mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) mà trong cùng khoảng thời gian có từ 2 con trở lên bị ốm đau, nếu cả người cha và người mẹ cùng nghỉ việc để chăm sóc các con ốm đau và giấy tờ khám bệnh của con có ghi tên người cha hoặc người mẹ nghỉ việc để chăm sóc con ốm đau, thì giải quyết hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động có tên trong giấy tờ khám bệnh của mỗi con theo quy định của Điều 24 Luật BHXH.
Lao động nữ bị sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu và người lao động khi thực hiện các biện pháp tránh thai thì thời gian tính hưởng chế độ BHXH theo số ngày thực tế người lao động nghỉ việc, nhưng không quá số ngày được nghỉ theo quy định của Luật BHXH.
Trường hợp người lao động sinh con, nhận nuôi con nuôi, khám thai, sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu, thực hiện các biện pháp tránh thai từ ngày thứ 15 trở đi của tháng mà tháng đó có đóng BHXH thì bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH tính hưởng trợ cấp thai sản gồm cả tiền lương, tiền công đóng BHXH của tháng đó.
Thời gian tính hưởng chế độ thai sản của người lao động khi sinh con, nhận nuôi con nuôi được tính kể từ ngày người lao động thực tế nghỉ việc để sinh con theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc từ ngày nhận nuôi con nuôi (trường hợp sinh con, nhận nuôi con nuôi sau khi người lao động đã nghỉ việc chấm dứt quan hệ lao động thì thời gian tính hưởng kể từ ngày sinh con, nhận nuôi con nuôi).
Trường hợp có thời gian nghỉ hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm người lao động đủ điều kiện nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.
Thư Viện Pháp Luật