Liệu có bắt buộc phải có mặt khi thực hiện thủ tục hành chính?
Thời gian qua, Bộ Tư pháp đã và đang tích cực thực hiện cải cách thủ tục hành chính, thực thi các giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính về các yêu cầu đối với giấy tờ, điều kiện và rút ngắn thời gian giải quyết. Mọi quy định về yêu cầu, điều kiện, giấy tờ phải xuất trình và thời gian đều được cân nhắc, xem xét và đánh giá tác động trước khi ban hành để đảm bảo yêu cầu thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức và cũng cần đảm bảo yêu cầu về quản lý. Đồng thời, các quy định về thủ tục hành chính đã được công bố công khai trên cơ sở dữ liệu quốc gia về thủ tục hành chính để nhân dân tham khảo, đối chiếu trong quá trình thực hiện của cơ quan có thẩm quyền.
Trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục hành chính, ngành Tư pháp luôn bảo đảm thực hiện đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định. Tuy nhiên, đối với một số thủ tục hành chính, việc thực hiện có thể chậm do nhiều nguyên nhân như: Việc chuyển thủ tục từ địa phương lên Bộ Tư pháp và ngược lại mất nhiều thời gian, công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp chưa đảm bảo dẫn đến sự chậm chễ (do chưa có đủ cơ sở dữ liệu nên việc cấp Phiếu lý lịch tư pháp vẫn phải thực hiện việc xác minh, tra cứu tại cơ quan Công an mất nhiều thời gian)...
Những vấn đề này sẽ được Bộ Tư pháp tiếp thu, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý có liên quan trong thời gian tới theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Mặt khác, một số thủ tục hành chính yêu cầu người dân cần có mặt mới thực hiện được (như thủ tục chứng thực chữ ký, đăng ký kết hôn...) thì việc có mặt của người dân là yêu cầu bắt buộc để bảo đảm tính chính xác của thủ tục.
Về ý kiến nên phân cấp cho địa phương, Bộ Tư pháp chỉ ban hành văn bản quản lý cũng như nội dung ý kiến đã nêu ở trên, trước hết cần khẳng định rằng Bộ Tư pháp là cơ quan quản lý ở Trung ương về lĩnh vực tư pháp, với chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ chủ yếu là soạn thảo, ban hành các thủ tục hành chính còn việc triển khai thực hiện thủ tục hành chính đa số là ở chính quyền địa phương (như thủ tục chứng thực, hộ tịch...); chỉ có một số ít thủ tục hành chính được thực hiện ở Bộ Tư pháp do đặc thù lĩnh vực quản lý (như đăng ký giao dịch bảo đảm) hoặc một số lĩnh vực liên quan đến hợp tác quốc tế về tư pháp và pháp luật (như vấn đề nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài).
Về chủ trương thực hiện, Bộ Tư pháp tán đồng với ý kiến của độc giả về việc phân cấp tối đa cho địa phương thực hiện các thủ tục hành chính để bảo đảm sự thuận tiện, chuyên nghiệp.
Hiện nay, đa số các lĩnh vực có liên quan đến thủ tục hành chính thuộc chức năng quản lý của Bộ Tư pháp như thi hành án dân sự, hộ tịch, quốc tịch, lý lịch tư pháp, con nuôi, luật sư, công chứng, trợ giúp pháp lý, bán đấu giá... đều chủ yếu phân cấp cho địa phương thực hiện. Có những thủ tục hoàn toàn do địa phương thực hiện như chứng thực, khai sinh, khai tử, kết hôn..., Bộ Tư pháp chỉ trực tiếp thực hiện một số thủ tục hành chính mang tính điều chỉnh tổng thể, quy hoạch, cần có sự giám sát trực tiếp và đảm bảo thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, việc phân cấp cần được nghiên cứu, đánh giá kết quả để có thể tiến hành một cách hợp lý, hiệu quả và được đặt trong bối cảnh và lộ trình nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hiện nay, tiếp theo là các đạo luật có liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước được sửa đổi. Bởi vì, phân cấp quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương là một nội dung lớn, liên quan đến nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn cần phải làm rõ.
Hiện nay các Bộ, ngành trong đó có Bộ Tư pháp đang nghiên cứu việc chuyển giao thẩm quyền theo tinh thần xác định rõ nhiệm vụ nào của Chính phủ được chuyển giao cho chính quyền cấp tỉnh, nhiệm vụ nào chuyển giao cho chính quyền cơ sở.
Thư Viện Pháp Luật