Hòa giải ở cơ sở
Theo quy định của Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự và Quyết định số 86/2008/QĐ-UBND ngày 15/9/2008 của UBND TP Cần Thơ ban hành Quy định về trình tự, thủ tục hòa giải ở cơ sở thì trình tự, thủ tục, thời hạn hòa giải của Tổ hòa giải được quy định như sau: Về trình tự: Tất cả những loại việc tranh chấp phát sinh giữa công dân với công dân, giữa công dân với tổ chức mà vụ việc tranh chấp hoặc mâu thuẫn đó xảy ra thuộc thẩm quyền hòa giải của Tổ hòa giải thì đều khuyến khích các bên tranh chấp tự hòa giải hoặc thông qua Tổ hòa giải để hòa giải (kể cả trường hợp không có đơn yêu cầu). - Khi tranh chấp phát sinh, Tổ hòa giải có thể tiến hành hòa giải tại chỗ bằng lời nói (hình thức hòa giải không đơn) hoặc hòa giải theo đơn yêu cầu. Nếu Tổ hòa giải hòa giải không thành mà một trong các bên có yêu cầu thì hướng dẫn họ làm đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp có thẩm quyền. Tòa án thụ lý vụ kiện và có yêu cầu thì Tổ hòa giải chuyển ngay hồ sơ để giải quyết. - Đối với tranh chấp đất đai hoặc tài sản gắn liền với đất, nếu Tổ hòa giải hòa giải không thành thì phải chuyển đến Hội đồng tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai cấp xã hòa giải tiếp theo. Về thủ tục: Một trong các bên tranh chấp nộp đơn yêu cầu hòa giải và các giấy tờ có liên quan đến tranh chấp (trong trường hợp hòa giải theo đơn). Thời hạn hòa giải: Thời hạn giải quyết yêu cầu hòa giải là 7 ngày kể từ ngày nhận đơn yêu cầu hoặc kể từ ngày có yêu cầu bằng lời nói (không đơn). Nếu vụ việc phức tạp thì thời hạn hòa giải không quá 10 ngày làm việc. Đối với những vụ việc không kịp thời hòa giải và xảy ra những vấn đề hình sự hoặc mâu thuẫn nghiêm trọng thì Tổ hòa giải phải tiến hành hòa giải ngay sau khi nắm rõ vụ việc. Từ quy định như đã nêu trên, trường hợp của chị nếu hòa giải ở cơ sở không thành, hai bên không đồng ý với quyết định hòa giải thì hai bên khởi kiện tại TAND huyện. Hội đồng hòa giải ở cơ sở sẽ chuyển vụ việc lên tòa án để thụ lý giải quyết theo quy định Luật Khiếu nại tố cáo, Luật Đất đai bà Bộ luật Tố tụng Dân sự.
Thư Viện Pháp Luật